RSS

Tag Archives: nhiễm HIV

Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ sinh ra nhiễm HIV

(Dân trí) – Trung bình mỗi năm, cả nước có gần 5.000 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình từ 30 – 40%, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV.

Ngày 2/6, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012. Chủ đề của chương trình phát động năm nay là: “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015”. Dù thời tiết mưa to, nhưng hàng nghìn người đã có mặt tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa để tham gia buổi lễ phát động.

 Hàng nghìn người tham gia buổi lễ phát động.

Đây là một trong những mục tiêu chính do Đại hội đồng Liên hợp quốc đề ra tại Hội nghị cấp cao về phòng, chống HIV/AIDS, tháng 6/2011 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Thống kê tại Việt Nam, tính đến 31/12/2011, có 197.335 người trường hợp nhiễm HIV còn sống; tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 48.720 người. Tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai khoảng 0,25%. Trung bình mỗi năm, cả nước có gần 5.000 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình từ 30 – 40%, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV.

Tại Thanh Hóa, tính đến 31/3/2012: tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống là 4.806 người; tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 2.109 người. Tính đến hết tháng 3/2012, toàn tỉnh Thanh Hóa phát hiện 1.056 phụ nữ nhiễm HIV, trong đó có 490 phụ nữ nhiễm HIV được tiếp cận điều trị ARV. Số bà mẹ được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con là 136 người; số trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV là 96.

Trên thực tế, còn nhiều trường hợp phụ nữ mang thai không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu do bản thân người phụ nữ thiếu thông tin, thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên không chủ động tìm kiếm dịch vụ. Các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV khó tiếp cận các dịch vụ. Một số không nhỏ phụ nữ mang thai nhiễm HIV chỉ phát hiện ra nhiễm HIV ở giai đoạn muộn trong quá trình mang thai hoặc trong khi chuyển dạ, dẫn đến khó khăn trong việc tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012 sẽ được triển khai trong cả nước nhằm huy động sự tham gia của các các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể; các cơ quan, đơn vị; các tổ chức xã hội và mọi người dân vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đồng thời là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân nói chung, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nói riêng về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Loại trừ hoàn toàn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015” của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Ông Vương Văn Việt – PCT UBND tỉnh Thanh Hóa trao quà cho các cháu nhỏ tại chương trình phát động.

Phấn đấu ít nhất có 80% số phụ nữ từ 15-49 tuổi được tiếp cận với các thông tin về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn, làm xét nghiệm HIV và quay lại nhận kết quả xét nghiệm trong thời kỳ mang thai lên 30%; tăng số phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng sớm (từ tuần thứ 14) lên 30%; tăng gấp đôi số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và được cung cấp sữa thay thế so với bình quân chung hàng tháng…

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang giảm xuống dưới 5% hoặc thấp hơn nữa, tiến tới có thể loại trừ hoàn toàn việc trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang con.

Duy Tuyên – Hoàng Văn

 

Nhãn: ,

Gia tăng tỉ lệ mắc ung thư hậu môn ở phụ nữ nhiễm HIV

(Dân trí) – Một nghiên cứu do các tác giả thuộc Trung tâm Y khoa Montefiore, Mỹ tiến hành cho thấy tỉ lệ ung thư biểu mô hậu môn (AC) đang gia tăng ở phụ nữ dương tính với HIV.
Các tác giả cho biết ung thư hậu môn thường xảy ra ở nam giới nhiễm HIV có quan hệ tình dục đồng giới. Song hiện tại nghiên cứu này phát hiện ra rằng các tổn thương tiền ung thư cũng chiếm tỉ lệ cao ở phụ nữ nhiếm HIV.

Họ đã kiểm tra 715 phụ nữ nhiễm HIV không có triệu chứng bệnh và phát hiện thấy 10,5% có biểu hiện bị một dạng bệnh ở hậu môn và khoảng 33% trong số đó được xác định là tiền ung thư.

Theo các nhà nghiên cứu thì điều này có thể là do vi-rút HIV “khích lệ” vi-rút HPV, vốn được xem là virus gây ra hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn, tồn tại dai dẳng. Ngoài ra, những người nhiễm HIV cũng có nguy cơ cao hơn bị các dạng ung thư khác có liên quan đến HPV.

Nhóm nghiên cứu gợi ý rằng phụ nữ nhiễm HIV có những tế bào bất thường ở hậu môn, đặc biệt là những người bị HIV khó kiểm soát, nên tiến hành soi hậu môn. Ngoài ra, tất cả nam giới và phụ nữ nhiễm HIV cũng nên cân nhắc sàng lọc soi hậu môn. Theo các nhà nghiên cứu thì tỉ lệ mắc bệnh ở hậu môn mức độ nặng là thấp hơn ở những phụ nữ kiểm soát tốt HIV. Bên cạnh đó các xét nghiệm HPV cũng có thể hữu ích trong sàng lọc ung thư biểu mô hậu môn.

Nghiên cứu này được tiến hành từ tháng 3/2008 đến tháng 12/2010 và sẽ được đăng trên tạp chí Journal of Aids.

Anh Khôi

Theo MNT

 

Nhãn:

Người con gái nhiễm HIV nuôi mẹ già ung thư

Dù đang mang trong người căn bệnh thế kỷ do chồng lây sang, dù cuộc sống mong manh như ngọn đèn trước gió, nhưng chị Nguyễn Thị Như Mai (30 tuổi, trú tại thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn phải lặn lội mưu sinh giữa đời thường để nuôi mẹ già 66 tuổi bị ung thư và cô con gái đang tuổi ăn học…

Bước ngoặt cuộc đời…

Nguyễn Thị Như Mai là cô con gái út duy nhất trong một đại gia đình nghèo gồm 4 anh em. Cha mất sớm, một mình mẹ (bà Trần Thị Nhẫn) phải bươn chải đủ nghề từ làm ruộng, thu lượm ve chai đến phụ hồ để nuôi bầy con đói ăn khát uống.

Do hoàn cảnh quá khó khăn nên lần lượt các anh của Mai phải nghỉ học đi làm thêm, đỡ đần cho mẹ. Riêng Mai không cam chịu nghịch cảnh, luôn có gắng tranh thủ ngày đi học, tối làm thêm để không tụt hậu so với các bạn.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Mai dự định thi vào ngành Sư phạm để thỏa ước mơ làm cô giáo. Tuy nhiên dự định ấy nhanh chóng tan biến bởi thời điểm ấy mẹ chị bị bệnh nặng. Là con gái duy nhất trong nhà, Mai ở nhà để chăm sóc mẹ.

  Chị Mai phải lăn lộn mưu sinh để nuôi mẹ già bị ung thư và con gái

Sau khi sức khỏe mẹ dần ổn định, Mai xin vào làm phụ hồ tại công trình văn hóa xã Hòa Hiệp Trung. Tại đây Mai đã gặp gỡ, làm quen với anh Nguyễn Trọng Khánh (SN 1981), là phụ hồ dân gốc An Nhơn, Bình Định. Định mệnh đời Mai cũng rẽ ngang từ đây.

Năm 2003, Mai và Khánh kết duyên trong niềm hân hoan lẫn những lời chúc tụng của hai bên gia đình và bà con lối xóm. Năm 2004, bé Nguyễn Thị Ngọc Bích ra đời càng làm cho hạnh phúc gia đình chị thêm viêm mãn.

Dù hai vợ chồng cật lực làm việc, cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2004, Khánh theo đám bạn vào TP.HCM làm phụ hồ.

Tháng 2/2006, Khánh trở về nhà trong trạng thái rối bời, sức khỏe suy kiệt, thuốc thang gì chữa cũng không hết. Mai giục chồng đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định chữa bệnh nhưng anh nhất quyết không nghe.

Hơn 1 tháng sau, Khánh chết. Sau đám tang, trong một lần lục lại đồ đạc của Khánh, Mai tìm thấy một tờ giấy nhỏ trong túi quần của chồng. Khi nhìn thấy những dòng chữ đầu tiên, cô choáng váng muốn té xỉu khi biết chồng mình mắc phải căn bệnh không có thuốc chữa HIV/AIDS.

Cô tức tốc đạp xe đến bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả cho ra dương tính, Mai bắt đầu suy sụp. Còn bà Nhẫn khi biết tin cũng ngất lên ngất xuống mấy hồi.

Hai thân bệnh nương tựa vào nhau

Phải gần hai tháng sau cái chết của chồng (tháng 9/2006) lấy lại tinh thần, Mai mới bước chân ra khỏi nhà. Công việc đầu tiên của chị là đưa bé Bích đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên xét nghiệm. Chị và mẹ vui mừng khôn xiết khi biết bé Bích đã thoát “án tử”.

Từ đó Mai cố gắng sống vui sống, bỏ ngoài tai những lời thị phi.

Không chỉ phụ giúp mẹ làm việc nhà, Mai còn tham gia sinh hoạt tại các nhóm đồng đẳng, các buổi tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS và kể lại câu chuyện của chính mình. “Bản thân tôi đã từng bị sốc khi nghe tin mình bị bệnh… nên tôi hiểu tâm trạng “không thiết sống” hay “sẵn sàng trả thù đời” do bị kì thị của những người cùng cảnh ngộ”.

Vào một buổi chiều đầu năm 2010, trong lúc đi thu nhặt ve chai, bà Nhẫn bất ngờ ngã qụy, bất tỉnh. Sau khi nhập viện, bà mới biết ngoài các căn bệnh lâu nay bà còn bị ung thư vú. Trong thời gian này, thẻ bảo hiểm y tế của bà lại hết hạn nên gia đình buộc phải thanh toán mọi chi phí phẫu thuật.

Để có tiền chữa trị cho mẹ, Mai phải chạy vạy ngược xuôi để vay tiền. Sau nhiều lần phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã cắt bỏ vú bên phải và nạo hạch của bà, nên hiện khỏe bà ngày càng suy yếu. Cánh tay phải gần như tê liệt, bà không còn có thể cử động như trước nên chẳng thể làm được việc gì.

Từ đây, việc mưu sinh đều dồn vào một tay Mai. Hàng ngày chị thay mẹ đi mót ve chai để có tiền duy trì cuộc sống ngày hai bữa. Dù bác sĩ khuyên “có làm thì nên làm một buổi”, nhưng nhiều khi chị vẫn phải giả tảng quên đi bởi “nếu không làm, cuộc sống càng chật vật”.

 Theo phunutoday.vn

 

Nhãn:

Bé mồ côi 9 tuổi nhiễm HIV mơ làm bác sĩ

é Đỗ Thị Trà My 9 tuổi (trú thôn 67, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mắc phải căn bệnh HIV từ bố mẹ của mình, đang từng ngày đấu tranh với căn bệnh đang lấy dần, lấy mòn sự sống của em. Hiện em đang sống cùng với bà nội trong hoàn cảnh rất khó khăn.

Đi học về, Trà My vo gạo nấu cơm. Ảnh: Văn Định.

Mẹ bé My chỉ biết mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV khi trở dạ sinh đứa con gái thứ hai. Vào bệnh viện địa phương, bác sĩ khi ấy sợ không dám đỡ đẻ, phải đưa lên tuyến trên. Cả gia đình nội ngoại như nghe tin sét đánh khi biết tin cả gia đình bé My đều nhiễm căn bệnh quái ác này.

Và cứ thế, căn bệnh ấy đã lần lượt cướp đi sinh mạng của những con người bất hạnh khi tháng 4/2006 bố bé Lan mất, cuối năm đó đến lượt đứa em út, và năm 2007 là mẹ bé. Đến bây giờ bà Tới – bà nội bé My – cũng không biết rõ nguyên nhân lây HIV của các con cháu bà là từ đâu.

Ông Trịnh Văn Năm, trưởng xóm 67, kể: “Khi Trà My 4 tuổi, vì sợ bị mang bệnh vào người nên không ai dám nuôi cháu (kể cả bà nội), gửi vào trại trẻ mồ côi nhưng trại không nhận vì bé nhiễm HIV. Sau đó bé được đưa về xã, xã lại chuyển về thôn để chăm lo. Lúc ấy gia đình nào cũng túng thiếu, người cho bát gạo, người cho mớ rau, con cá nuôi cháu. Vì dân trí còn chưa cao nên nhiều người vẫn xa lánh, vì sợ bị lây nên không dám cho con cái chơi cùng”.

Ông, bà anh em bên ngoại cũng không ai dám gần, họa chăng Tết đến cho cháu được bộ quần áo. Về sau, được sự động viên của cán bộ xã, y tế, bà nội đã đứng ra nhận nuôi cháu trở lại. Cứ thế Trà My chỉ còn có bà nội và con gấu bông là bạn thân duy nhất. Họ bấu víu nhau sống trong căn nhà nhỏ hút sâu phía sau chân đồi trong sự đói khổ, mà bà Tới thì nay ốm mai đau.

Bà Tới không giấu nổi nước mắt khi kể về cảnh nhà mình. Ảnh: Văn Định.

Nhiều đêm bà thức trắng vì thương đứa cháu tội nghiệp, vì lời bé tâm sự: “Con mà có bố có mẹ như các bạn thì bà đỡ khổ vì con”.

Trà My cũng được đến trường. Ban đầu chẳng ai dám ngồi gần em vì sợ bị lây, nhưng rồi qua lời thầy cô, các bạn cũng bớt biệt thị với em. Dù vậy, nhiều khi còn mặc cảm với số phận, em cứ lầm lũi phía cuối góc lớp.

Thầy Dương Viết Trung, chủ nhiệm lớp 3A Trường tiểu học xã Hợp Lý, nơi em đang học, cho biết: “Trà My là một học sinh ngoan. Đầu tiên khi mới bước chân vào học em còn ngại tiếp xúc với các bạn xung quanh. Nhưng thầy cô ai cũng thương yêu, quan tâm, nên giờ Trà My đã theo học được đến lớp 3″.

Khi được hỏi ước mơ của mình, em hồn nhiên nói: “Em ước sau này mình sẽ trở thành bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho những người không may bị nhiễm HIV như em, để cha mẹ và em gái không mất nữa”.

Bà Tới chân đất chở cháu Trà My đi học trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Ảnh: Văn Định.

Giờ đây, tài sản quý nhất trong nhà là chiếc xe đạp cũ kỹ của bố bé My để lại, dùng để đưa đón em đi học và đều đặn mỗi tháng 4 lần bà đạp xe hàng chục cây số đi lấy thuốc cho cháu uống để dứt cơn bạo bệnh.

Độc giả hảo tâm xin liên hệ bà Lê Thị Tới, xóm 67, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. SĐT: 01684410571.

Theo VnExpress

 

Nhãn:

Hồi sinh cho những phận đời nhiễm HIV

(24h) – Bà làm đủ nghề để kiếm sống: chẻ củi, nấu nước thuê đến lượm lặt các thứ đồ thừa thãi trong chợ nhưng vẫn tự nguyện hằng ngày tắm rửa, làm vệ sinh và chia sẻ với những người bị nhiễm HIV chỉ bởi một tấm lòng.

“Tôi đã từng tuyệt vọng khi biết mình đang ở điểm cuối của cuộc đời. Mỗi ngày đau đớn nhận ra da thịt, thân thể mình đang dần bị hủy hoại bởi căn bệnh thế kỷ. Nhưng càng tuyệt vọng hơn khi nhận thấy sự lạnh lùng của gia đình. Giữa những giây phút tuyệt vọng ấy thì bà đến. Người phụ nữ xa lạ nắm lấy tay tôi mà không cần mang găng tay, bà lặng lẽ tháo thùng nước trên chiếc xe đạp cà tàng vừa chạy đến. Đó là đôi thùng nhựa có chứa nước lá đã nấu sẵn. Bà tắm gội, lau thân thể cho tôi. Bà an ủi tôi. Bà kể chuyện thường ngày ở chợ, tự nhiên như thể đã quen biết từ lâu lắm rồi. Từ đó tới nay, vài ngày bà lại đến với tôi để chuyện trò, săn sóc”. Chị N.N.L. (37 tuổi, P. Nhật Tân, Q.Tây Hồ, TP Hà Nội), một phụ nữ nhiễm HIV giai đoạn cuối, nói về bà Tám Đông như thế.

Lặng lẽ

“Bà Tám Đông, Đông “ết” phải không? Đi thẳng tới cuối chợ rồi rẽ trái sẽ thấy cái hàng nước bỏ không, nhưng bà ấy quanh quẩn đâu đấy thôi”, người dân ở cổng chợ Nhật Tân chỉ như thế khi chúng tôi tìm gặp bà Bùi Thị Đông.

Hàng nước cuối chợ trống người. Vài gói thuốc lá với mấy chai nước cất trong chiếc hộp gỗ sờn cũ, đặt trên chiếc bàn cũ kỹ phủ đầy bụi. “Bà ấy suốt ngày lo đi tuyên truyền, rồi tới nhà chăm sóc, khâm liệm cho mấy người bị HIV chứ có lo buôn bán gì đâu. Thế nên hàng nước của bà ế khách, chẳng ai dám đến mà uống. Ngay cả chúng tôi nhiều khi thấy bà vừa đi tắm rửa cho người nhiễm HIV về còn sợ, bà cho gì cũng chẳng dám ăn” – chị Đỗ Thị Minh, bán thịt cạnh hàng nước của bà, nói.

“Không bán nước thì làm nghề khác, tôi thiếu gì nghề để kiếm sống” – bà Đông bảo thế. Những câu chuyện về người nhiễm HIV từ đó cứ nối tiếp nhau mãi không ngừng, dù chợ đã vãn người và nắng trưa đã rọi trên mái đầu nhiều sợi bạc của bà.

 Bà Đông lúc nào cũng có sẵn những lọ thuốc khử trùng để tắm rửa cho người nhiễm HIV

Tính đến cuối năm 2010, P.Nhật Tân có 287 người nhiễm HIV. Nhiều người chuyển qua AIDS giai đoạn cuối, nội tạng bị phá hủy, mỗi ngày đi vệ sinh hàng chục lần, toàn thân đầy vết lở loét, người nhà không ai dám lại gần. Những lúc đó, người ta lại nhớ bà. Hằng ngày, bà đi khắp chợ Nhật Tân nhặt nhạnh thanh củi khô, xấp giấy hộp gom lại để dành trong góc nhà kho của chợ. Rồi bà đi tìm lá sả, hương nhu…, ba hòn gạch kê thành bếp ở góc chợ đỏ lửa. Nước nguội, bà chở đến tận nhà tắm gội, giặt giũ cho người bệnh hoàn toàn miễn phí.

Bà bảo: “Mấy đứa phát bệnh, gia đình ai cũng sợ hãi nên không dám đến gần. Nhiều đứa tôi vừa mới đến đã xua đuổi, tỏ vẻ bất cần. Nhưng khi được mình hỏi han săn sóc, chúng bảo giờ mới thấy sợ chết, cứ ôm tôi mà khóc. Giai đoạn cuối, đứa nào cũng dằn vặt và đau đớn. Đến với chúng, mình chỉ biết dùng cái tâm để hiểu, để cảm thông”.

Hơn 15 năm làm bạn với những người có HIV, bà Đông chỉ làm theo bản năng, kinh nghiệm và cái tình giản dị như thế. Mãi đến năm 2005, Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS về phường phổ biến kiến thức HIV, bà hào hứng rủ mọi người tới tham dự. Từ đó, bà trở thành tình nguyện viên cho quỹ.

Bà đến tận nhà dân để phổ biến kiến thức HIV rồi phát bao cao su, phát kim tiêm miễn phí cho đối tượng nghiện hút. Nhưng công việc bà làm thường xuyên nhất là đưa người HIV đi nhập viện. Có tháng bà chuyển gần 20 người có HIV đến viện để khám và tư vấn. Về nhà, bà lại nấu nước lá, đổ vào đôi thùng nhựa rồi chở đến từng nhà người bệnh để lau rửa, tắm giặt cho họ. Người bệnh chết, một tay bà tắm, khâm liệm rồi chôn cất. Đến năm 2008, nhờ quá trình tuyên truyền của bà Đông và nhóm Tre Xanh (Q.Tây Hồ), sự kỳ thị của người dân với HIV và AIDS giảm hẳn.

Góc khuất cuộc đời

Đi vào cuối con hẻm, qua nhiều ngách nhỏ mới tới được nhà bà Đông (54B, tổ 25, cụm 4, ngách 406, P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ). Căn nhà ngói nằm im vắng, gian bếp cũ đã sập, chi chít mạng nhện giăng. Người phụ nữ cười nói rổn rảng ngoài chợ và ân cần với từng người bệnh HIV khác hẳn với một bà Đông trầm lặng khi kể câu chuyện cuộc đời mình.

Nước mắt lăn dài trên gương mặt người phụ nữ khắc khổ. Chồng bà sau khi lớn tiếng “mày đi ra xã hội mang siđa về nhà” thì bỏ đi biệt tăm đã mấy năm nay. Lo cho thiên hạ nhưng không ngờ tai vạ ập đến nhà bà. Dũng, con trai đầu của bà, vướng vào nghiện ma túy. Đã năm lần bà vay mượn để đưa con đi cai nghiện nhưng thất bại. Loay hoay lo cho con chưa xong thì người con trai thứ hai cũng nghiện ma túy và nhiễm HIV.

“Đến giai đoạn cuối Dũng mới sợ cô đơn, muốn cưới vợ để được biết thế nào là mái ấm gia đình” – bà kể. Vậy là năm 2002, bà Đông lại lo vay mượn để cưới vợ cho con trai. Thúy, vợ Dũng, cũng là người nhiễm HIV cùng xóm. 13 tháng sau ngày cưới, Thúy phát bệnh giai đoạn cuối, một tay bà chăm sóc, lo liệu rồi khâm liệm khi con dâu chết. Năm 2004, Dũng cũng phát bệnh rồi qua đời, bỏ lại cậu em trai vừa nghiện vừa nhiễm HIV cùng món nợ gần 100 triệu đồng và nỗi mất mát tột cùng của mẹ.

Từ đó người ta lại thấy bà Đông càng gắn bó thêm với những số phận HIV như sự cảm thông, chia sẻ từ chính hoàn cảnh gia đình mình. Với từng người có HIV, bà rủ rỉ tâm sự để an ủi, động viên. Có người nói bà gàn dở khi cả đời cứ “đâm đầu vào việc mà người đời ghê sợ”, cũng có người hiểu chuyện, chép miệng bảo bà “tội quá!”. Nhưng với bà, mọi người nói gì cũng không quan trọng, hàng nước có bán được hay không cũng không quan trọng. Bà làm đủ thứ nghề để kiếm sống: từ lau dọn nhà vệ sinh, rửa tấm ván bán thịt đến lượm lặt các thứ đồ thừa thãi trong chợ để có thu nhập làm công tác xã hội và nuôi con bị bệnh. Bà chỉ mong mình còn được sống, còn khỏe mạnh để đến với từng phận đời nhiễm HIV đang cần mình.

“Chỉ một chữ tâm”Bà Dương Kim Tuyến, cán bộ dự án Tổ chức Care tại VN, nhìn nhận: “Bà Tám Đông cùng các tình nguyện viên nhóm Tre Xanh đã tham gia dự án “Stronger – chăm sóc những người có HIV và hỗ trợ nhóm trẻ em dễ bị tổn thương” do chúng tôi tổ chức. Bà rất nhiệt tình, tận tâm với những người có HIV/AIDS. Đặc biệt là công việc khâm liệm cho người mất vì AIDS, một tay bà lo liệu, chôn cất họ. Dù bà không biết chữ và rất nghèo, nhưng tình thương của bà với những người có HIV/AIDS chưa bao giờ vơi cạn”.

“Bà đã biến nỗi đau mất con trai, con dâu vì AIDS thành sự đồng cảm, sẻ chia với những người có HIV/AIDS trên địa bàn. Cùng với hội phụ nữ phường, bà Đông thành lập câu lạc bộ “Hãy đến bên nhau” là nơi gặp gỡ, sẻ chia của những người nhiễm HIV ở P.Nhật Tân và các phường lân cận. Bà giúp đỡ, tư vấn, chăm sóc, khâm liệm… làm tất cả những việc liên quan đến người có HIV/AIDS mà không có đồng thù lao nào, chỉ với một tấm lòng” – ông Nguyễn Xuân Trường, phó chủ tịch UBND P.Nhật Tân, nói.

 (Nguồn 24H.com)

 

Nhãn: , , ,

Những trang nhật ký cuộc đời

 “Những trang nhật ký cuộc đời” của Thuỳ Trang  một người con gái còn rất trẻ chẵng may bị nhiễm HIV và là người đầu tiên xây dựng nên nhóm Tự lục “Vì Ngày Mai”  đã chia sẻ cùng chúng tôi.
Xin được nói thêm Thuỳ Trang bị lây nhiễm từ chồng và hiện chồng cô đã bỏ đi biệt xứ khi hay tin bản thân mình bị nhiễm HIV.
 Qua những gì ghi lại chúng tôi chỉ thấy cánh cửa  rộng mở tha thiết mời gọi chồng quay về mặc dầu chị là nạn nhân và hoàn cảnh của chị khá bi đát…
Và nay “con tim đã vui trở lại” khi chị được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc đầy hơi ấm tình người….
Xin cảm ơn Thuỳ Trang tác giả của những trang nhật ký đã cho thấy chị nay đã tìm lại nụ cười qua bao đau thương và bất hạnh.
1.Cánh cửa vẫn rộng mở
( Đề tựa 1. và 2.  chúng tôi xin tạm đặt )
ngày… tháng… năm….
Anh ơi ! Sao anh không nghe điện thoại em gọi vậy, em có lổi gì làm anh giận hay sao, ngày em nhập viện cho đến ngày em ra viện, anh hứa với mẹ con em sẽ về thăm, nhưng thời gian đã trôi qua hơn ba tháng, em mòn mỏi chờ đợi, anh vẫn bặc vô âm tín  không một lần điện thoại hỏi thăm, em buồn và nhớ anh nhiều lắm, đứa con trong bụng em ngày một lớn dần và sắp chào đời, anh ở đâu hãy về với mẹ con em …thằng cu nó cứ suốt ngày gọi điện cho ba nhưng không được, anh đã đổi số rồi, em đành phải nói với con là anh rất bận, từ khi nhận được kết quả dương tính, em chết lặng người, rồi chỉ biết khóc thôi, nhưng đấy là số phận em nào giận hờn hay trách gì anh, giờ đây bao nổi cay đắng ập đến em xót xa lòng, đứa con em đang mang trong bụng sắp chào đời, em cần có anh chia sẻ biết bao, gần sinh rồi mà em vẫn chưa có tiền sắm tả, em chạy vạy xin đồ củ về cho con, xoa bụng rồi nước mắt chảy dài, em nhớ anh và đang cô đơn biết mấy, anh hãy về đi, con của chúng ta cần có bố, em cần có anh, anh biết không, ngày anh đi em vẩn vui cười đưa tiễn, giờ đây em khóc thầm vì nhớ anh, thương xót cho con không có bố, em chẳng còn như ngày xưa rạng rỡ nụ cười trên môi nữa, em bắt đầu ít nói và trầm lặng dần, em chẳng biết chia sẻ cùng ai, anh biết đó từ ngày lấy nhau, em luôn làm tròn bổn phận của một người vợ và người mẹ, một người dâu hiền, em nào có thói hư tật xấu gì, sao anh lại quay lưng đi biệt như vậy, em sắp đến ngày sinh thì bị ba mắng và đuổi ra khỏi nhà, em đau, đau trong lòng anh có hiểu không, những người thân nhất của em, dè dặt và xa lánh không ai chia sẻ và thông cảm với em, lúc đi sinh em âm thầm một thân một mình đến viện, cũng chỉ vỏn vẹn trong tay 1triệu ba trăm ngàn, 9h tối em sinh thì 10h sáng em xuất viện , biết nguy hiểm nhưng em không còn tiền.  Về đến nhà thuê, không phải căn nhà ngày xưa chúng mình ở, nó chật hẹp hơn nhiều, nhưng em vẫn thấy trống trải và cô đơn, bế con trên tay nhưng nước mắt lưng tròng, một thân một mình lúc sinh nở, về đến nhà em đói bụng đành để con nằm đấy và đi chế mì tôm ăn, ngày gần sinh em chuẩn bị được 2 thùng mì tôm và 4 lon sữa bột cho con gái, 2 ngày em đã phải giặt giũ và nấu ăn, không 1 ai giúp đở cho đến con được 1 tháng tuổi , em bế về nhà ngoại hơn 70km , xin ông ngoại cho ở nhờ , sức khỏe em yếu dần , và em ngã bệnh , bụng em căng cứng lên nhưng không phải mang thai, khi nghe bác sỉ thông báo em bị xơ gan giai đoạn cuối em ùa khóc , em ấm ức nức nở ngẹn ngào , nghỉ đến con 2 đứa còn quá nhỏ , giờ em nằm xuống ai lo cho 2 đứa nó hả anh ? nhà ông bà nội cũng khổ , ông ngoại không còn khả năng làm việc , chúng nó biết nương tựa vào ai , trong tiềm thức em như muốn trổi dậy lòng nhiệt huyết , em phải cố gắng lên , em vừa làm mẹ gánh luôn vai trò người bố , em may mắn gặp được thầy thuốc nam chữa khỏi bệnh gan , nhung lại tốn ít tiền , cuộc sống lay lắc em phải bán đi chiếc xe phương tiện đi lại duy nhất , anh có biết không em đã đưa con gái về gởi ông bà nội rồi , lý trí em giờ không còn sáng suốt nữa , em hành động theo cảm tính mà thôi , gìơ xa con em thấy nhớ , anh biết không con gái chúng ta vừa tròn 1 tuổi, làm mẹ như em tệ lắm phải không , em không có đủ tiền để gọi 1 cuộc điện thoại ra để mừng con tròn tuổi , em bị ông ba nội mắng cho . chỉ mới thế mà em thấy chua xót rồi vậy mà anh đi biệt ngần ấy ngày tháng em sống trong bóng tối là ngần ấy ngày anh bỏ mẹ con em ra đi. Hãy về với mẹ con em anh nhé !
                   Thuỳ Trang
2.Hơi ấm tình thương  
         ngày… tháng… năm….
Thời gian trôi qua nhanh thật,  cái buổi đầu bở ngỡ đến với những anh chị trong nhóm chăm sóc. Em mặc cảm, rụt rè và không có một chút niềm tin nào cả, chắc có lẽ ngần ấy thời gian sồng chung với H em chưa cảm nhận được sự an ủi nào lớn hơn thế. Có thể em sẽ gọi tên các anh chị, trước là qua những dòng chữ ngày gởi tới các anh chị lời cảm ơn chân thành .
Anh…. ! Riêng anh, em cảm ơn anh thật nhiều, anh đã động viên an ủi, chia sẽ và gần gũi với em trong những tháng ngày tăm tối nhất, trước khi gặp anh và các chị trong nhóm, kể từ ngày em biết mình có H em chưa hề nở nụ cười , vậy mà giờ đây chính anh mang lại ánh sáng và hy vọng đầu tiên cho em kể từ cái ngày bóng tối như bao trùm kín cả cuộc đời, giờ em cười nói, em bây giờ như bước sang trang mới của cuộc đời, kể anh nghe, hôm …tối ngày chủ nhật trong buổi truyền thông cho sinh viên ở nhà chị Tâm, các anh chị đã sắp sếp chương trình và tiết mục tạo cho em cỡi mở lòng mình và được chia sẻ rất nhiều, em thấy mình trong đêm ấy như không còn xấu hổ nữa, những ngọn lửa những tấm lòng và những trái tim đầy nhiệt huyết, với lời nói run run em chia sẻ lòng mình bổng dưng có một bạn chạy đến dang tay ra và ôm lấy em, em như bật khóc vì hạnh phúc những gặp mắt nhìn em, như muốn gởi đến em lời chia sẻ, không phải là những ánh mắt dèm pha, trong cái không gian chật hẹp ấy em như xua tan đi bao nổi niềm chất chứa trong lòng. Hơi ấm tình thương như len lỏi xuyên suốt quanh em, sau bao tháng ngày vơi đầy nước mắt,  em đã nở nụ cười đầu tiên, ngước mắt nhìn thẳng vào mọi người và nói lên tiếng nói lòng mình, luống cuống trong lời nói nhưng em như muốn được cảm ơn tất cả ! cảm ơn các bạn !
Sau buổi tối truyền thông hôm ấy chia tay ra về mà lòng vẫn đầy tiếc nuối không khí đầm ấm đêm hôm ấy, dù đã lâu lắm rồi nhưng giờ vẫn cứ ấm mãi trong em …..
              Thuỳ Trang             (bangtamdn2002@yahoo.com)
 

Nhãn: , ,

” Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”

Khi mua một loại thuốc, hay bất cứ một sản phẫm nào để tiêu dùng hoặc sử dụng. Thường thì trên bao bì, trên toa hoặc trong  sách hướng dẫn đều ghi chú: “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”. Con người quả thật đã hết sức cẩn thận.

Khi Tạo hóa  tạo  nên con người,  cũng đã làm y như vậy ! Ghi chú và  hướng dẫn sử dụng nầy rất dễ nhận ra, nhưng thường con người không mấy khi để ý,  nên không nhìn thấy và hậu quả là lắm người đã không biết cách sử  dụng con người của mình đúng theo ý đồ của Tạo hóa  khi dựng nên. Do đó trong cuộc sống,  đã xảy ra không  biết bao nhiêu điều oái oăm khủng khiếp từ trong gia đình và ra đến ngoài  xã  hội.

Chắc có người sẽ la lên rằng , tôi đã sử dụng con người của tôi quá nửa hoặc gần hết cuộc đời , mà tôi chẳng bao giờ nhìn thấy câu ghi chú và lời dặn dò ấy ở đâu cả! Mọi người sinh ra đều trần truồng, hoàn toàn không có mảnh giấy nào đính kèm.

Xin cảm ơn các bạn.

Khi Tạo hóa tạo nên con người, đã ban cho con người một Đặc ân, và con người đã khác hẳn loài vật là nhờ Đặc ân đó. Đó chính là Lý trí. Cho nên Tạo hóa chẵng phải dư thừa kèm theo một tờ giấy với nhiều ghi chú dài dòng.

Vậy xin mời bạn cùng tôi dùng Lý trí để nhận biết những hướng dẫn sử dụng trên một số bộ phận tiêu biểu trong con người chúng ta.

Chúng ta có hai con mắt, nhưng chỉ với một chức năng là để nhìn. Hai lỗ tai, nhưng cũng chĩ có một chức năng là  nghe. Hai lỗ mũi, nhưng cũng chĩ có một chức năng là để thở. Nhưng chúng ta chỉ có một cái miệng  mà lại có quá nhiều chức năng, nào là: Ăn, uống, nói, cười, khóc, la , ré, nguyền rủa, hát hò… Nhiều khi mệt quá phải thở giúp cái mũi, lại còn dùng để ái ân mặn nồng nữa chứ!

Nếu giã sử, cứ một chức năng của cái miệng không thôi, phải cần có đôi có cặp giống như mắt, mũi, tai . Thì trên khuôn mặt con người chí ít cũng cần phải có 20 cái miệng. Quả thật hết sức rắc rối. Tạo hóa không làm như vậy vì muốn nói với chúng ta một điều khi sử dụng những bộ phận trên: Tai phải lắng nghe thật rõ, 10 lần 2 . Mắt phải nhìn cho tường tận, 10 lần 2 .Mũi phải thở thật sâu,10 lần 2 . Xong khối óc mới đủ tỉnh táo để phân định, con tim trở lại nhịp đập bình thường rồi mới được phán xét và cuối cùng cái miệng mới được nói ra, có khi còn phải thận trọng uốn lưỡi đến bảy lần .

Tôi xin hỏi các bạn trong khía cạnh của một căn bệnh mà thôi , bạn đã biết gì về HIV/AIDS. Và bạn đã biết như thế nào? Và bạn đã suy nghĩ như thế nào về căn bệnh nầy? Đã bao lần bạn rùng mình kinh tởm khi nghe nói đến AIDS và hình dung ra người nhễm HIV, và bạn cho họ là loại người nào?. Đã bao giờ bạn thấy cảnh khốn cùng của người nhiễm H, khi họ bị các bạn và chính những người thân của họ xúc phạm, cô lập, bị xa lánh, bị đẫy ra khỏi cuộc sống bình thường trong gia đình, nhà trường và xã hội , đến nổi không còn một nơi nào để bám víu, nương tựa và hy vọng. Họ đành phải sống những ngày cuối đời trong cô đơn cùng cực và tuyệt vọng cùng với sự đau đớn về thể xác và tâm hồn do bệnh tật hành hạ và sự ghê tởm, khinh ghét của mọi người .

Có bao giờ bạn lắng nghe hay chia sẻ nổi niềm tâm sự, an ủi họ, khi họ mong chỉ cần có được một người ở bên, trong cơn đau đớn cùng cực hay lúc thoi thóp sắp lìa đời. Bạn có biết đã có rất nhiều người mắc AIDS, khi lìa đời đám tang của họ không có lấy một người thăm viếng hoặc tiễn đưa , không  có lấy một tiếng khóc thương, không có một ai mang vành khăn tang, không có lấy giọt nước mắt nhỏ rơi. Trong khi đó có người cuộc sống chẵng ra gì nhưng khi chết đám tang của họ hết sức ồn ào và tốn kém.

Họ cũng mang một kiếp người như chúng ta, sao họ lại phải chịu những bất công vì lòng ích kỷ hẹp hòi của con  người như vậy, họ không đáng chịu những sự như vậy. Họ chỉ mang một căn bệnh như bao căn bệnh khác.

Có thể bạn đã từng ngồi chung với họ trong  một tiệc cưới, đã cùng uống chung với họ một ly cà phê, hút chung một điếu thuốc, ở chung với họ trong một căn nhà. Vậy họ là ai , chính là những người mà bạn thường hay tiếp xúc hằng ngày, bởi vì chúng ta chưa bao giờ đi xét nghiệm mà có nhiễm rồi cũng phải cố giấu đi, vì dại mà nói ra sẽ bị cô lập ngay, sẽ phải đón nhận bao nhiêu sự kỳ thị và phân biệt đối xữ của con người.

Phải chăng chúng ta đã trát phấn tô son lên lòng nhân ái của mình , để mọi người tưởng rằng lòng nhân từ của chúng ta vẫn còn đó ,trong khi thực sự nó đã hóa đá  từ lâu . HIV chỉ làm suy giãm hệ miễm dịch khi con người mắc phải chứ không làm suy gảm trí tuệ, phẫm giá hay nhân cách và vị trí làm người của họ.

Tất cả những hậu quả trên là do chúng ta không biết sữ dụng con người của mình, là do lúc cái đầu chưa nạp đủ dữ liệu đã kiễm chứng của mắt và tai, cứ căn cứ vào những định kiến sai lầm sẵn có , những lối mòn lệch lạc trong não trạng, rồi lập tức ra lệnh cho con tim hành động và không bao giờ biết hậu quả việc mình làm sẽ như thế nào.  Ta  có mắt mà như như mù,  có  tai  mà  như điếc đặc,  bởi  vì   chúng    ta xữ dụng cái miệng quá nhiều . Nói, nghĩ và hành động quá khác thường, quá rùng rợn, quá kinh khũng về một căn bệnh làm cho mọi người khiếp sợ, hoang mang, nhưng thực chất mắt chúng ta chưa thấy, tai chúng ta chưa nghe, chúng ta  hoàn toàn chưa trải nghiệm. Trong khi  sự thực không phải là như vậy. Đó là do lý trí và lòng thương người của chúng ta đã bị liệt kháng vì virus HIV.

Nếu bạn thử đặt mình vào nổi đau của người có H, bạn sẻ thấm thía nỗi đau của họ đến chừng nào ! Họ cũng chỉ là những người bất hạnh mà ta đã từng gặp và đã từng  giúp đở. Họ không đáng phải chịu những sự đối xữ quá tàn nhẫn như vậy . Họ cũng cần được sự cảm thông chia xẻ, Họ rất cần để có thể lấy lại thăng bằng trước bệnh tật và trước bao nhiêu là mất mát và cái chết hằng ngày đe dọa. Một khi được chia sớt nổi đau, có  niềm tin và chổ dựa , họ sẻ không có những hành động tiêu cực gây tổn thương cho bản thân, gia đình và cộng đồng. và họ sẻ trở nên những người biết sữ dụng cuộc đời của mình một cách có ích nhất cho mọi người, cho dù cuộc sống của họ còn lại thật ngắn ngủi.

Hãy tự suy nghĩ về cách hành xữ của chúng ta đối với những người có H. Phải biết sửa sai những việc đã làm khi còn có thể. Phải thay đổi cái nhìn và những định kiến cố hữu đối với người có H,  bằng sự cảm thông , khoan dung nhân ái trong tình đồng  loại..

“Hãy luôn đặt ta vào vị trí của người khác, để biết rằng ta đau thì người khác cũng đau”.

“Khi người được Hạnh phúc thì chính là lúc chúng ta tìm thấy niềm vui”.

Và cuối cùng xin “ Hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”.trên rất nhiều bộ phận trong cơ thể chúng ta.

Chào thân ái!

Paul Trần văn Minh

GX An Hải Đà Nẵng

 

 

Nhãn: , ,

Tâm sự những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS

Cách đây khoảng 10 năm, báo chí trong nước rộ lên các bài viết đưa tin về một xã ở tỉnh Thái Bình, được gọi là xã AIDS bởi có số lượng người nhiễm HIV cao.

Photo courtesy of unaids.org.vn

“Cùng chung tay đẩy lùi ma túy” với trẻ em VN

Đáng buồn hơn nữa, do thiếu kiến thức về căn bệnh này, những tin đồn, bài viết và hình ảnh đăng tải trên báo chí lúc đó đã vẽ lên hình ảnh vô vọng của những người phụ nữ chân quê chất phác và con cái họ, nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.Vậy những người phụ nữ đó giờ ra sao? Tương lai của họ và con cái họ có thực sự vô vọng như những gì đã được miêu tả lúc đó? Tạp chí phụ nữ kỳ này xin được tìm hiểu về cuộc sống của những phụ nữ này.

Cơn bão HIV

Xã đó là xã Vũ Tây, thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nơi đã phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1999 và cũng được coi là xã có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất nước. Toàn xã với khoảng 9,000 nhân khẩu thì có đến 120 người nhiễm HIV. Và đó cũng là nơi câu chuyện về những người phụ nữ chân quê, không may nhiễm virus HIV, bắt đầu.

Về lại Vũ Tây những ngày tháng này, người ta có thể thấy bộ mặt làng quê đã đổi khác cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Chị Phượng, một người dân trong xã nói về bộ mặt làng quê mình thời mở cửa rằng “cơ sở hạ tầng ở Vũ Tây tốt, điều kiện kinh tế cũng rất khá.”

Xã em có một ông cai xây dựng làm ở mạn rừng núi trên, có bao nhiêu trai làng là cứ đi làm cùng đoàn đó. Một người lây nhiễm thì có thể lây cho cả đoàn mấy chục người luôn vì họ cùng sử dụng ma túy, sử dụng chung kim tiêm.

Chị Xuân, người dân xã Vũ Tây

Bắt đầu từ khoảng cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam bắt đầu lan tỏa đến các làng quê, trong đó có Vũ Tây. Người dân nơi đây vốn nhiều đời nay chỉ quanh quẩn bên lũy tre làng, với đồng ruộng, giờ đây bắt đầu đi làm ăn xa ngày một nhiều để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trai tráng trong làng cứ lũ lượt đi lên mạn ngược hay vào thành phố, làm đủ mọi nghề từ xây dựng, phụ hồ, đến làm than để kiếm sống. Kinh tế khá lên, thì đi kèm với nó là các tệ nạn như nghiện hút, tiêm chích ma túy. Cũng từ đó, những ca nhiễm HIV đầu tiên xuất hiện và lan dần. Chị Xuân, một người dân trong xã cho biết:

“Xã Vũ Tây là xã phát hiện nhiễm HIV nhiều nhất vì nam giới trong xã hay phải đi làm ăn xa, không có nghề phụ ở nhà. Xã em có điểm đặc biệt là có một ông cai xây dựng làm ở mạn rừng núi trên. Một năm ông cứ về lấy quân hai lượt như thế, thì có bao nhiêu trai làng là cứ đi làm cùng đoàn đó. Một người lây nhiễm thì có thể lây cho cả đoàn mấy chục người luôn vì họ cùng sử dụng ma túy, sử dụng chung kim tiêm.”

Thiếu hiểu biết về HIV/AIDS

Một nghiên cứu gần đây về đời sống tình dục của những người lao động đi làm xa gia đình cho thấy những người đàn ông đi làm ăn xa, một năm phải xa vợ đến mấy tháng trời, không ít người trong số họ tìm cách giải quyết nhu cầu tình dục bằng cách có quan hệ với gái mại dâm. Nhưng vì do thiếu kiến thức, họ không sử dụng bao cao su để bảo vệ cho mình. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết:

“Họ có ít điều kiện tiếp cận đến những thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc quan hệ tình dục, hoặc dịch vụ xã hội y tế để cung cấp thêm kiến thức và dịch vụ cho họ khi cần. Ở Việt Nam có nhiều ngôi làng mà người ta gọi là làng HIV, vì người chồng đi làm xa rồi mang HIV về cho vợ. “

HIV tràn về Vũ Tây, chị Xuân, 39 tuổi, là một trong những nạn nhân của cơn bão này. Chị phát hiện mình bị bệnh vào năm 2003 sau khi chị có thai cháu thứ ba được 6 tháng và được xét nghiệm ở xã. Chị nói:

“Em cũng là nạn nhân của đại dịch này vì chồng em làm ăn xa thì cũng có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, có sử dụng ma túy, đi làm thì cũng không biết vì không thể kiểm soát được. Sau đó em mang thai đi xét nghiệm mới biết được. Lúc đấy thì chồng đã chuyển sang giai đoạn 4 rồi.”

000_Del397012-250.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm trẻ mồ côi nhiễm HIV tại chùa Ngọc Lâm ngày 22 tháng bảy năm 2010. AFP Photo/Paul J. Richards

Chồng chị mất trước khi chị sinh cháu. Sự thiếu hụt về kiến thức của căn bệnh đã khiến chị lo lắng, vì nghĩ rằng mình chắc chẳng còn sống được bao lâu:“Lúc đấy thực sự ra mình không có kiến thức nào, mình chỉ lo lắng vài năm nữa chúng mất cha, còn mình, không biết liệu mình có thể giữ được cái thai an toàn không. Lúc đó chả có tâm trạng nào sinh con cả.”

Không những thế, báo chí trong nước lúc đó được tin về Vũ Tây là xã có nhiều người nhiễm HIV, đã đổ về đây viết tin về những người phụ nữ không may nhiễm bệnh. Hình ảnh mà một số báo miêu tả về các chị và con cái của các chị đã không những không an ủi, khuyến khích các chị sống mà còn làm cho các chị lo lắng hơn. Chị Xuân nhớ lại:

“Trước đây em không biết, khi tiếp xúc với một số phóng viên, họ giới thiệu họ ở bên báo Sức khỏe gia đình, nhưng sau đó lại đăng trên An ninh thế giới. Bọn em cũng chia sẻ thông tin nhưng họ viết thì lại đưa ra nhiều ý kiến tiêu cực. Ví dụ họ đưa ra cụ thể một cặp vợ chồng nào đấy, họ nói là án tử hình cho gia đình nhà này, thì em nghĩ đó là tiêu cực cho gia đình người bị nhiễm. Bọn em muốn chia sẻ với những người có nguy cơ cao, những người bị nhiễm để họ có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Ở đây một số phóng viên người ta viết lại đưa bi quan.”

Họ có ít điều kiện tiếp cận đến những thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc quan hệ tình dục, hoặc dịch vụ xã hội y tế để cung cấp thêm kiến thức và dịch vụ cho họ khi cần.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

Những người phụ nữ gặp tình cảnh như chị Xuân ở xã Vũ Tây lúc đó không hiếm. Họ gặp những khó khăn ban đầu như sự phân biệt đối xử của xã hội, thêm vào đó là những khó khăn về kinh tế. Những người đàn ông, trụ cột gia đình, mắc bệnh và mất để lại gánh nặng gia đình lên vai những người vợ cũng không may nhiễm virus do chồng truyền lại. Chị Phượng, 34 tuổi, người cũng bị nhiễm HIV từ chồng, cho biết:

“Những người bình thường có đủ vợ chồng có đủ sức khỏe thì việc nuôi con ăn học đã là một vấn đề. Bản thân tôi sức khỏe thì làm cũng có hạn, còn chồng tôi khi bị bệnh cũng không làm gì nữa, chỉ quanh quẩn làm ruộng ở nhà, chăn nuôi con gà con lợn. Cuộc sống khó khăn nhưng chúng tôi phải khắc phục vì còn lúc ốm lúc đau, con đi học.”

Chồng chị Phượng mới mất cách đây không lâu do bị u não, không liên quan đến các bệnh cơ hội do AIDS gây nên.

Tuyên truyền để giúp nhau

Những khó khăn trong cuộc sống đã không làm cho những người phụ nữ ở xã Vũ Tây chùn lòng. Họ đã vươn lên, bươn chải, kiếm sống nuôi con ăn học. Và không những thế, họ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Tháng 2 năm 2005, nhóm Vì Ngày mai Tươi sáng của những người nhiễm HIV lần đầu tiên được thành lập tại Vũ Tây, và cũng là câu lạc bộ tự lực của người có HIV đầu tiên tại tỉnh. Chị Xuân là trưởng nhóm. Từ 8 thành viên ban đầu, với 5 nam, 3 nữ, giờ nhóm đã có 85 người bao gồm cả những người từ các xã khác. Chị Xuân nói về hoạt động của nhóm như sau:

“Mục đích ban đầu chỉ đơn giản là tập trung mọi người để chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần thôi. Sau đó có nhiều hoạt động hỗ trợ, cho vay vốn tạo thu nhập, nghề phụ cho người có HIV, làm công tác truyền thông. Bây giờ cuộc sống của chị em cũng ổn định rồi. Mấy năm trước thì vừa lo đời sống tinh thần, vừa lo vật chất vì những chị em chồng mới qua đời ai cũng khó khăn. Dần dần mọi người vượt lên vì ai cũng làm thêm nghề phụ, người thì vào công ty may, người đan lát thêm ở nhà. Phần lớn chị em đều tự lo được, nuôi con được.”

Những năm đầu thành lập, các thành viên còn phải tự đóng góp tiền để lúc nào trong nhóm có ai ốm đau hay ma chay còn có kinh phí để mua quà thăm hỏi. Nhưng những năm gần đây, được sự hỗ trợ kinh phí từ các dự án nước ngoài như của Ngân hàng Thế giới, những thành viên của nhóm đã không phải tự đóng tiền nữa.

aids-china-250.jpg
Sinh viên Trung Quốc sử dụng ruy-băng đỏ kết thành chữ AIDS tại tỉnh An Huy hôm 30/10/2009. AFP photo

Không những thế, họ còn có thêm nhiều hoạt động truyền thông trong xã, huyện về HIV/AIDS cho người dân, tuyên truyền giúp phòng chống HIV/AIDS. Chỉ riêng năm 2009, nhóm đã thực hiện được 26 cuộc truyền thông trong huyện, chủ yếu là các buổi biểu diễn văn nghệ ở sân vận động xã. Diễn viên là những người nhiễm HIV, có nói chuyện về phòng chống HIV/AIDS, phát tờ rơi và bao cao su miễn phí cho người dự.Ngoài ra, các chị em phụ nữ trong nhóm cũng thường xuyên đến các gia đình có chồng hay phải đi làm ăn xa để tuyên truyền về cách phòng chống bệnh cho gia đình. Chị Xuân cho biết thêm:

“Bọn em tranh thủ những tháng ngày mưa, tháng tết họ về mình đi làm truyền thông, mình mang tờ rơi rồi mình đến tận nhà tuyên truyền cho những người đi làm ăn xa. Chị em chia nhau ra các thôn, các đối tượng có nguy cơ cao. Ví dụ có nghe về đối tượng này có nguy cơ cao thì mình đến tuyên truyền nhiều hơn, cách sử dụng bao cao su, sử dụng bơm kim tiêm riêng. Ở trên miền núi thì việc mua kim tiêm rất khó, nên nhiều anh em mua về sử dụng chung cho cả một nhóm người. Bọn em hướng dẫn họ cách sử dụng như thế nào, làm thế nào để tiệt trùng kim tiêm.”

Cũng vì tích cực tuyên truyền, nên kiến thức của người dân trong xã Vũ Tây về căn bệnh thế kỷ đã cải thiện. Những thành viên trong nhóm Vì Ngày mai Tươi sáng cho biết sự phân biệt kỳ thị đối với những người nhiễm virus HIV ở xã giờ đây đã có những cải thiện đáng kể. Con em của các gia đình có người nhiễm HIV đã được đi học hòa nhập với các bạn. Bản thân các chị phụ nữ và các ông chồng cũng chủ động đến xin bao cao su để tự bảo vệ mình. Chị Phượng cho biết:

“Bản thân tôi là trưởng một câu lạc bộ, nhà tôi có bao cao su. Những người đi làm ăn xa họ chủ động đến xin bao mang đi. Có những người vợ khi biết sắp đến mùa mưa rồi thì đến xin bao về. Có những ông chồng rất khó nhưng mình cũng phải giải thích để họ hiểu về thuyết phục chồng mình.”

Ở Vũ Tây, những người đi làm ăn xa thường về quê một năm hai lần. Một lần vào mùa mưa khoảng 1 tháng hoặc hơn, và một lần vào dịp Tết.

Bên cạnh những tiến bộ nhất định trong công tác phòng chống HIV/AIDS có phần đóng góp rất lớn của các chị em phụ nữ, bản thân các chị vẫn gặp những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Theo chị Xuân, một trong những khó khăn lớn nhất đó là vấn đề kỳ thị ở bên ngoài địa bàn các chị sống và do đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các chị.

Ở trên miền núi thì việc mua kim tiêm rất khó, nên nhiều anh em mua về sử dụng chung cho cả một nhóm người. Bọn em hướng dẫn họ cách sử dụng như thế nào, làm thế nào để tiệt trùng kim tiêm.”

Chị Xuân, người dân xã Vũ Tây

Những chị em ở xã đã đi làm ở một số công ty hiện vẫn không dám công khai mình là người có HIV vì sợ mất việc, mặc dù luật phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam chống mọi hình thức phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS. Bản thân chị Xuân cũng không dám nói tên thật của mình vì lo ngại người con đầu của chị đang học đại học ở xa sẽ bị ảnh hưởng vì cái tiếng mẹ nhiễm HIV.

Mười năm đã trôi qua kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên ở xã Vũ Tây được phát hiện. Trải qua mười năm đầy những khó khăn và thử thách, nhiều chị em phụ nữ trong xã, những người nông thôn Việt Nam bình dị không may nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh và vui vẻ. Xin mượn lời nhắn của chị Phượng đến các chị em phụ nữ để làm phần kết cho bài này.

“Hãy chủ động trong việc tiếp cận thông tin này và tìm hiểu thông tin nhiều hơn để phòng tránh và chia sẻ với chồng con khi họ làm ăn xa.”

Việt Hà, phóng viên RFA
 

Nhãn: , , , , , , , ,

Bi kịch của người con gái 16 tuổi nhiễm HIV

Trời ơi! Tôi như muốn phát điên lên khi nghe thấy từ HIV, căn bệnh mà cái tuổi 16 của tôi không thể tưởng tượng được. Tôi co rúm trong một góc giường bệnh viện nơi đã được cách li đặc biệt mà sợ hãi đến tuyệt vọng .

Năm nay tôi 16 tuổi. Bố bỏ tôi đi khi mẹ tôi lâm bệnh mà chết. Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi bơ vơ  sau lũy tre làng. Theo một số người mách bảo, tôi lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề bán báo rong. Lúc ấy, gia tài của tôi là một chiếc xe đạp cũ kỹ, một chiếc loa đài méo mó và một chồng báo hàng ngày. Đó là tất cả những gì tôi có thể mưu sinh, rong ruổi trên những phố phường Hà Nội.

Tôi thuê trọ dưới chân cầu Chương Dương. Lối vào căn nhà bé nhỏ, kéo dài hun hút mà càng đi càng thấy nó tối tăm dù giữa ban ngày chói chang. Bà chủ nhà trọ là một người phụ nữ góa chồng trạc 40 tuổi làm nghề nấu mắm tôm. Vì vậy, suốt thời gian ở Hà Nội, mùi vị mắm tôm trở nên quen thuộc với tôi đến mức lạnh lùng. Có cái gì đó mỗi lần trở về nhà trọ, tôi lại thấy lòng mình nao nao đau đớn.

Tôi sống với tất cả 12 người cả nam lẫn nữ đủ mọi lứa tuổi. Cuộc sống lộn xộn khiến tôi không nghĩ rằng mình đang sống mà chỉ đang tồn tại. Đôi khi tôi chợt hỏi có ai đó nghĩ tới chúng tôi nơi xó xỉnh nồng nặc mùi mắm tôm này không?! Nhưng những câu hỏi của tôi, dường như không thoát khỏi cái ngõ sâu hun hút ấy. Cả 12 người chúng tôi không ai có một chiếc giường cho ra hồn. Tất cả đều là những tấm phản chắp vá vào nhau và ngăn bởi một mảnh vải bất kỳ nào đó. Tôi và 6 chị khác nằm ở phía tay trái, còn 5 người đàn ông kia thì nằm ở phía bên phải căn nhà. Trong số 5 người ấy thì có 4 người đi bán báo rong như chúng tôi, chỉ riêng mình Q (Thái Nguyên) thì làm phụ hồ. Tôi và Q cùng quê với nhau nên có chút gì đó đồng cảm hơn so với những con người khác. Đôi khi Q làm tôi thật khó hiểu, nhưng không hiểu sao trái tim của cô bé 16 tuổi như tôi cứ dần dần thấy thinh thích. Sống chung dưới một mái nhà, cùng sinh hoạt chung hàng ngày với nhau đến quen thuộc, tôi và Q dường như chẳng còn điều gì ngại ngần nữa. Cứ đêm đến chúng tôi lại nằm sát bên nhau. Tôi tự nhủ mình phải giữ mình cho dù có sống giữa cảnh lộn xộn thế này, nhưng với đứa con gái 16 tuổi chơi vơi giữa đất Hà thành không người thân thích quan tâm, tôi đã không làm được điều ấy. Tôi đã làm việc đó ngay trong căn phòng trọ 12 người chật hẹp trong mỗi đêm khuya khoắt. Tôi có thai mà không hề biết gì. Hàng ngày tôi vẫn đi bán báo rong còn Q vẫn gòng lưng xách vữa mỗi ngày.

Hôm ấy, tôi cảm thấy thật mệt mỏi, tiếng loa méo mó “báo mới, báo mới đây!” liên tục, khiến tôi choáng váng. Tôi lảo đảo, cảm giác như mình đang đau đớn. Tôi không biết điều gì xảy ra lúc ấy nữa… Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Thì ra tôi bị ngã và bị một xe máy đâm vào mình. Bác sĩ nói cái thai trong bụng tôi bị hỏng. Tôi bàng hoàng, bất ngờ và sợ hãi. Nhưng có một điều thật kinh khủng hơn, tồi tệ hơn mà bây giờ nói ra tôi không thể nào tin được. Trong kết quả xét nghiệm máu tôi bị nhiễm vi rút HIV. Trời ơi! Tôi như muốn phát điên lên khi nghe thấy từ HIV, căn bệnh mà cái tuổi 16 của tôi không thể tưởng tượng được. Tôi co rúm trong một góc giường bệnh viện nơi đã được cách li đặc biệt mà sợ hãi đến tuyệt vọng. Không ngờ khi quan hệ với Q tôi không hề biết Q đã bị nhiễm HIV (vì một lần chơi bời cùng bạn bè). Tôi chưa kịp để bước vào đời, để nghĩ về một tương lai tươi sáng thì cánh cửa số phận đã đóng sập trước cuộc đời tôi. Tôi chưa kịp mơ tưởng về một cuộc sống hạnh phúc thì với tôi chỉ là đau khổ.

Nghĩ về căn nhà trọ 12 người với mùi vị mắm tôm quẩn quanh mà tôi thấy ghê rợn. Sao những người nghèo khổ như chúng tôi lại khổ và sống một cách nhu mì như thế. Giá như tôi bản lĩnh hơn. Tôi đã tự giết chính tôi mất rồi. Mong sao ai đó đừng dại dột như tôi…
Theo Gia đình
 

Nhãn: ,

HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?

Qua nghiên cứu thuần tập của WHO trên 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV (không được can thiệp) cho thấy có khoảng 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị lây nhiễm HIV trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV thì có 36 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…

Lây truyền trong thời kỳ mang thai

Sự lây truyền HIV qua con đường này có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy có tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần.

Mẹ có thể lây truyền HIV cho con trong thời gian mang thai.

Các nhà khoa học đã tìm thấy HIV trong gan, thận, não của bào thai 13 tuần tuổi của người mẹ nhiễm HIV. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy có các bất thường về tổ chức học, đặc biệt ở não và tuyến hung của các bào thai nhiễm HIV. Ở một số trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã có các rối loạn miễn dịch, đặc biệt là sự bất thường về số lượng tế bào CD4 cho thấy có sự lan truyền HIV rất sớm từ mẹ sang con. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai qua bánh rau. Các nhà chuyên môn còn gọi đây là kiểu “lây truyền dọc”.

Vai trò của bánh rau trong việc lây truyền HIV trong tử cung rất phức tạp và còn nhiều điểm chưa rõ. Cấu trúc và đặc điểm chức năng của bánh rau thay đổi theo tiến triển của thai nghén. Bình thường, mặt bánh rau có cấu tạo đặc biệt, bao gồm nhiều “màng ngăn”. Các vách ngăn này có chức năng như các “hàng rào” bảo vệ, chỉ “cho phép” những gì tinh túy nhất của người mẹ như chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể… được đi qua để sang nuôi dưỡng bào thai, chứ không cho vi khuẩn, virut… chui sang để gây hại cho thai nhi. Như vậy, thông thường nhờ có bánh rau nên cho dù có nhiễm virut ở mẹ thì virut cũng bị màng ngăn của rau thai chặn lại và không truyền qua thai được.

Tuy nhiên, khi bánh rau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn (làm tổn hại đến vách ngăn này) hoặc bề dày của bánh rau (vách ngăn) mỏng đi vào nửa sau thai kỳ, HIV tự do hay nằm trong các tế bào dễ dàng di chuyển qua bánh rau vào thai nhi. Khoảng 20- 30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là bị lây truyền qua bánh rau. Tỷ lệ này có thể tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng, mẹ bị sơ nhiễm HIV trong khi đã có thai (khi đó nồng độ HIV trong máu rất cao) hoặc nếu mẹ đã mang thai rồi mới bị nhiễm HIV thì nguy cơ lây truyền HIV sang con qua bánh rau tăng lên. Tương tự như vậy, người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn mới mang thai thì nguy cơ này cũng tăng lên.

Lây truyền trong khi sinh

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, virut trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV)  hoặc do sự trao đổi máu mẹ – thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ). Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn…

Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao, nhất là khi thời gian này trên 4 giờ. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.

Nghiên cứu các trẻ sinh đôi, sinh ba… của các bà mẹ bị nhiễm HIV cho thấy, đứa trẻ sinh ra trước thường có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn đứa trẻ sinh ra sau (đứa trẻ ra trước tiếp xúc trực tiếp với nhiều dịch tiết âm đạo có chứa HIV của mẹ nhiều hơn, nên nguy cơ bị nhiễm HIV lớn hơn so với đứa ra sau). Cũng vì lý do này mà một số chuyên gia cho rằng, việc rửa âm đạo khi chuyển dạ bằng các chất diệt virut vừa không gây nguy hại cho mẹ và thai nhi vừa làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con khi sinh.

Suckhoedoisong

 

 

Nhãn: , , ,