RSS

Tag Archives: người có hiv

Đà Nẵng: Nhóm đồng đẳng chăm sóc người có HIV tại nhà

Tình trạng kỳ thị, bỏ mặc người bị bệnh HIV/AIDS, ngay cả đó là người thân trong gia đình vẫn còn diễn ra phổ biến ở Đà Nẵng. Một nhóm đồng đẳng tình nguyện đã đứng ra nhận chăm sóc những bệnh nhân này.

Trong căn phòng tối, H gượng dậy quờ quạng tìm cây nạng gỗ, nhưng không sao nhấc nổi người. Tấm thân khuyết tật, gầy gò tấy đỏ bởi những vết lở to như quả trứng gà, làm anh càng thêm nhức nhối. Kể từ ngày biết con mình có HIV, rồi chuyển qua AIDS, gia đình để H một mình tại căn phòng này và phó mặc mọi việc ăn uống, đi lại cho anh. Nhiều lúc H cảm thấy cô quạnh, bất lực.

Một buổi sinh hoạt của những người có HIV tại Đà Nẵng.

Chị T (xã Hoà Tiến, Hoà Vang) – một người có HIV, cũng từng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chồng mất sớm để lại cho chị căn bệnh thế kỷ và 2 đứa con thơ dại. Chị T đi đến đâu cũng bị xì xầm, tránh né, thậm chí muốn ăn bát bún cũng không ai dám bán. Khó khăn, bệnh tật lại thêm sự xa lánh, kỳ thị của bà con lối xóm khiến chị suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Chị nhiều lần muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình…

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, đến thời điểm này đã có hơn 1.440 người có HIV, trong đó 570 trường hợp đã chuyển qua giai đoạn AIDS. Tuy nhiên, chỉ có 1/10 trong số đó dám công khai và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, số còn lại âm thầm sống trong sự kỳ thị từ cộng đồng…

Thời gian gần đây, Đà Nẵng xuất hiện nhiều nhóm đồng đẳng, Tổ chức NAT và nhóm chăm sóc người có HIV tại nhà. Những nhóm này đã động viên rất nhiều cho những bệnh nhân có HIV. Anh H nói đến ở trên cũng nhờ được nhóm chăm sóc người có HIV tại nhà mà tìm thấy chút niềm vui. Hàng ngày các thành viên trong nhóm thay nhau đến giúp H rửa vết thương, thay băng, đỡ đần cơm nước, giặt giũ quần áo.

Anh Toàn, Trưởng nhóm chăm sóc người có HIV tại nhà ở quận Cẩm Lệ tâm sự: Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, sự phân biệt, kỳ thị người có HIV ở TP.Đà Nẵng đã giảm. Nhưng ở một số nơi, nhất là vùng nông thôn và ngoại ô thành phố, nhiều người vẫn ngại tiếp xúc, xa lánh người có HIV.

Anh Toàn và những người bạn của mình đã tự nguyện tìm đến nhóm chăm sóc người có HIV tại nhà, với mong muốn được giúp đỡ, sẻ chia những người cùng cảnh ngộ như mình.

Được biết, hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 5 nhóm chăm sóc tại nhà cho người có HIV với gần 30 thành viên, hầu hết họ đều là người có HIV. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh éo le, nhưng đầy nghị lực sống và tấm lòng nhân ái.

 Theo Báo Dân Việt

 

Nhãn:

Hồi sinh cho những phận đời nhiễm HIV

(24h) – Bà làm đủ nghề để kiếm sống: chẻ củi, nấu nước thuê đến lượm lặt các thứ đồ thừa thãi trong chợ nhưng vẫn tự nguyện hằng ngày tắm rửa, làm vệ sinh và chia sẻ với những người bị nhiễm HIV chỉ bởi một tấm lòng.

“Tôi đã từng tuyệt vọng khi biết mình đang ở điểm cuối của cuộc đời. Mỗi ngày đau đớn nhận ra da thịt, thân thể mình đang dần bị hủy hoại bởi căn bệnh thế kỷ. Nhưng càng tuyệt vọng hơn khi nhận thấy sự lạnh lùng của gia đình. Giữa những giây phút tuyệt vọng ấy thì bà đến. Người phụ nữ xa lạ nắm lấy tay tôi mà không cần mang găng tay, bà lặng lẽ tháo thùng nước trên chiếc xe đạp cà tàng vừa chạy đến. Đó là đôi thùng nhựa có chứa nước lá đã nấu sẵn. Bà tắm gội, lau thân thể cho tôi. Bà an ủi tôi. Bà kể chuyện thường ngày ở chợ, tự nhiên như thể đã quen biết từ lâu lắm rồi. Từ đó tới nay, vài ngày bà lại đến với tôi để chuyện trò, săn sóc”. Chị N.N.L. (37 tuổi, P. Nhật Tân, Q.Tây Hồ, TP Hà Nội), một phụ nữ nhiễm HIV giai đoạn cuối, nói về bà Tám Đông như thế.

Lặng lẽ

“Bà Tám Đông, Đông “ết” phải không? Đi thẳng tới cuối chợ rồi rẽ trái sẽ thấy cái hàng nước bỏ không, nhưng bà ấy quanh quẩn đâu đấy thôi”, người dân ở cổng chợ Nhật Tân chỉ như thế khi chúng tôi tìm gặp bà Bùi Thị Đông.

Hàng nước cuối chợ trống người. Vài gói thuốc lá với mấy chai nước cất trong chiếc hộp gỗ sờn cũ, đặt trên chiếc bàn cũ kỹ phủ đầy bụi. “Bà ấy suốt ngày lo đi tuyên truyền, rồi tới nhà chăm sóc, khâm liệm cho mấy người bị HIV chứ có lo buôn bán gì đâu. Thế nên hàng nước của bà ế khách, chẳng ai dám đến mà uống. Ngay cả chúng tôi nhiều khi thấy bà vừa đi tắm rửa cho người nhiễm HIV về còn sợ, bà cho gì cũng chẳng dám ăn” – chị Đỗ Thị Minh, bán thịt cạnh hàng nước của bà, nói.

“Không bán nước thì làm nghề khác, tôi thiếu gì nghề để kiếm sống” – bà Đông bảo thế. Những câu chuyện về người nhiễm HIV từ đó cứ nối tiếp nhau mãi không ngừng, dù chợ đã vãn người và nắng trưa đã rọi trên mái đầu nhiều sợi bạc của bà.

 Bà Đông lúc nào cũng có sẵn những lọ thuốc khử trùng để tắm rửa cho người nhiễm HIV

Tính đến cuối năm 2010, P.Nhật Tân có 287 người nhiễm HIV. Nhiều người chuyển qua AIDS giai đoạn cuối, nội tạng bị phá hủy, mỗi ngày đi vệ sinh hàng chục lần, toàn thân đầy vết lở loét, người nhà không ai dám lại gần. Những lúc đó, người ta lại nhớ bà. Hằng ngày, bà đi khắp chợ Nhật Tân nhặt nhạnh thanh củi khô, xấp giấy hộp gom lại để dành trong góc nhà kho của chợ. Rồi bà đi tìm lá sả, hương nhu…, ba hòn gạch kê thành bếp ở góc chợ đỏ lửa. Nước nguội, bà chở đến tận nhà tắm gội, giặt giũ cho người bệnh hoàn toàn miễn phí.

Bà bảo: “Mấy đứa phát bệnh, gia đình ai cũng sợ hãi nên không dám đến gần. Nhiều đứa tôi vừa mới đến đã xua đuổi, tỏ vẻ bất cần. Nhưng khi được mình hỏi han săn sóc, chúng bảo giờ mới thấy sợ chết, cứ ôm tôi mà khóc. Giai đoạn cuối, đứa nào cũng dằn vặt và đau đớn. Đến với chúng, mình chỉ biết dùng cái tâm để hiểu, để cảm thông”.

Hơn 15 năm làm bạn với những người có HIV, bà Đông chỉ làm theo bản năng, kinh nghiệm và cái tình giản dị như thế. Mãi đến năm 2005, Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS về phường phổ biến kiến thức HIV, bà hào hứng rủ mọi người tới tham dự. Từ đó, bà trở thành tình nguyện viên cho quỹ.

Bà đến tận nhà dân để phổ biến kiến thức HIV rồi phát bao cao su, phát kim tiêm miễn phí cho đối tượng nghiện hút. Nhưng công việc bà làm thường xuyên nhất là đưa người HIV đi nhập viện. Có tháng bà chuyển gần 20 người có HIV đến viện để khám và tư vấn. Về nhà, bà lại nấu nước lá, đổ vào đôi thùng nhựa rồi chở đến từng nhà người bệnh để lau rửa, tắm giặt cho họ. Người bệnh chết, một tay bà tắm, khâm liệm rồi chôn cất. Đến năm 2008, nhờ quá trình tuyên truyền của bà Đông và nhóm Tre Xanh (Q.Tây Hồ), sự kỳ thị của người dân với HIV và AIDS giảm hẳn.

Góc khuất cuộc đời

Đi vào cuối con hẻm, qua nhiều ngách nhỏ mới tới được nhà bà Đông (54B, tổ 25, cụm 4, ngách 406, P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ). Căn nhà ngói nằm im vắng, gian bếp cũ đã sập, chi chít mạng nhện giăng. Người phụ nữ cười nói rổn rảng ngoài chợ và ân cần với từng người bệnh HIV khác hẳn với một bà Đông trầm lặng khi kể câu chuyện cuộc đời mình.

Nước mắt lăn dài trên gương mặt người phụ nữ khắc khổ. Chồng bà sau khi lớn tiếng “mày đi ra xã hội mang siđa về nhà” thì bỏ đi biệt tăm đã mấy năm nay. Lo cho thiên hạ nhưng không ngờ tai vạ ập đến nhà bà. Dũng, con trai đầu của bà, vướng vào nghiện ma túy. Đã năm lần bà vay mượn để đưa con đi cai nghiện nhưng thất bại. Loay hoay lo cho con chưa xong thì người con trai thứ hai cũng nghiện ma túy và nhiễm HIV.

“Đến giai đoạn cuối Dũng mới sợ cô đơn, muốn cưới vợ để được biết thế nào là mái ấm gia đình” – bà kể. Vậy là năm 2002, bà Đông lại lo vay mượn để cưới vợ cho con trai. Thúy, vợ Dũng, cũng là người nhiễm HIV cùng xóm. 13 tháng sau ngày cưới, Thúy phát bệnh giai đoạn cuối, một tay bà chăm sóc, lo liệu rồi khâm liệm khi con dâu chết. Năm 2004, Dũng cũng phát bệnh rồi qua đời, bỏ lại cậu em trai vừa nghiện vừa nhiễm HIV cùng món nợ gần 100 triệu đồng và nỗi mất mát tột cùng của mẹ.

Từ đó người ta lại thấy bà Đông càng gắn bó thêm với những số phận HIV như sự cảm thông, chia sẻ từ chính hoàn cảnh gia đình mình. Với từng người có HIV, bà rủ rỉ tâm sự để an ủi, động viên. Có người nói bà gàn dở khi cả đời cứ “đâm đầu vào việc mà người đời ghê sợ”, cũng có người hiểu chuyện, chép miệng bảo bà “tội quá!”. Nhưng với bà, mọi người nói gì cũng không quan trọng, hàng nước có bán được hay không cũng không quan trọng. Bà làm đủ thứ nghề để kiếm sống: từ lau dọn nhà vệ sinh, rửa tấm ván bán thịt đến lượm lặt các thứ đồ thừa thãi trong chợ để có thu nhập làm công tác xã hội và nuôi con bị bệnh. Bà chỉ mong mình còn được sống, còn khỏe mạnh để đến với từng phận đời nhiễm HIV đang cần mình.

“Chỉ một chữ tâm”Bà Dương Kim Tuyến, cán bộ dự án Tổ chức Care tại VN, nhìn nhận: “Bà Tám Đông cùng các tình nguyện viên nhóm Tre Xanh đã tham gia dự án “Stronger – chăm sóc những người có HIV và hỗ trợ nhóm trẻ em dễ bị tổn thương” do chúng tôi tổ chức. Bà rất nhiệt tình, tận tâm với những người có HIV/AIDS. Đặc biệt là công việc khâm liệm cho người mất vì AIDS, một tay bà lo liệu, chôn cất họ. Dù bà không biết chữ và rất nghèo, nhưng tình thương của bà với những người có HIV/AIDS chưa bao giờ vơi cạn”.

“Bà đã biến nỗi đau mất con trai, con dâu vì AIDS thành sự đồng cảm, sẻ chia với những người có HIV/AIDS trên địa bàn. Cùng với hội phụ nữ phường, bà Đông thành lập câu lạc bộ “Hãy đến bên nhau” là nơi gặp gỡ, sẻ chia của những người nhiễm HIV ở P.Nhật Tân và các phường lân cận. Bà giúp đỡ, tư vấn, chăm sóc, khâm liệm… làm tất cả những việc liên quan đến người có HIV/AIDS mà không có đồng thù lao nào, chỉ với một tấm lòng” – ông Nguyễn Xuân Trường, phó chủ tịch UBND P.Nhật Tân, nói.

 (Nguồn 24H.com)

 

Nhãn: , , ,

Tâm sự những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS

Cách đây khoảng 10 năm, báo chí trong nước rộ lên các bài viết đưa tin về một xã ở tỉnh Thái Bình, được gọi là xã AIDS bởi có số lượng người nhiễm HIV cao.

Photo courtesy of unaids.org.vn

“Cùng chung tay đẩy lùi ma túy” với trẻ em VN

Đáng buồn hơn nữa, do thiếu kiến thức về căn bệnh này, những tin đồn, bài viết và hình ảnh đăng tải trên báo chí lúc đó đã vẽ lên hình ảnh vô vọng của những người phụ nữ chân quê chất phác và con cái họ, nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.Vậy những người phụ nữ đó giờ ra sao? Tương lai của họ và con cái họ có thực sự vô vọng như những gì đã được miêu tả lúc đó? Tạp chí phụ nữ kỳ này xin được tìm hiểu về cuộc sống của những phụ nữ này.

Cơn bão HIV

Xã đó là xã Vũ Tây, thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nơi đã phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1999 và cũng được coi là xã có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất nước. Toàn xã với khoảng 9,000 nhân khẩu thì có đến 120 người nhiễm HIV. Và đó cũng là nơi câu chuyện về những người phụ nữ chân quê, không may nhiễm virus HIV, bắt đầu.

Về lại Vũ Tây những ngày tháng này, người ta có thể thấy bộ mặt làng quê đã đổi khác cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Chị Phượng, một người dân trong xã nói về bộ mặt làng quê mình thời mở cửa rằng “cơ sở hạ tầng ở Vũ Tây tốt, điều kiện kinh tế cũng rất khá.”

Xã em có một ông cai xây dựng làm ở mạn rừng núi trên, có bao nhiêu trai làng là cứ đi làm cùng đoàn đó. Một người lây nhiễm thì có thể lây cho cả đoàn mấy chục người luôn vì họ cùng sử dụng ma túy, sử dụng chung kim tiêm.

Chị Xuân, người dân xã Vũ Tây

Bắt đầu từ khoảng cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam bắt đầu lan tỏa đến các làng quê, trong đó có Vũ Tây. Người dân nơi đây vốn nhiều đời nay chỉ quanh quẩn bên lũy tre làng, với đồng ruộng, giờ đây bắt đầu đi làm ăn xa ngày một nhiều để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trai tráng trong làng cứ lũ lượt đi lên mạn ngược hay vào thành phố, làm đủ mọi nghề từ xây dựng, phụ hồ, đến làm than để kiếm sống. Kinh tế khá lên, thì đi kèm với nó là các tệ nạn như nghiện hút, tiêm chích ma túy. Cũng từ đó, những ca nhiễm HIV đầu tiên xuất hiện và lan dần. Chị Xuân, một người dân trong xã cho biết:

“Xã Vũ Tây là xã phát hiện nhiễm HIV nhiều nhất vì nam giới trong xã hay phải đi làm ăn xa, không có nghề phụ ở nhà. Xã em có điểm đặc biệt là có một ông cai xây dựng làm ở mạn rừng núi trên. Một năm ông cứ về lấy quân hai lượt như thế, thì có bao nhiêu trai làng là cứ đi làm cùng đoàn đó. Một người lây nhiễm thì có thể lây cho cả đoàn mấy chục người luôn vì họ cùng sử dụng ma túy, sử dụng chung kim tiêm.”

Thiếu hiểu biết về HIV/AIDS

Một nghiên cứu gần đây về đời sống tình dục của những người lao động đi làm xa gia đình cho thấy những người đàn ông đi làm ăn xa, một năm phải xa vợ đến mấy tháng trời, không ít người trong số họ tìm cách giải quyết nhu cầu tình dục bằng cách có quan hệ với gái mại dâm. Nhưng vì do thiếu kiến thức, họ không sử dụng bao cao su để bảo vệ cho mình. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết:

“Họ có ít điều kiện tiếp cận đến những thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc quan hệ tình dục, hoặc dịch vụ xã hội y tế để cung cấp thêm kiến thức và dịch vụ cho họ khi cần. Ở Việt Nam có nhiều ngôi làng mà người ta gọi là làng HIV, vì người chồng đi làm xa rồi mang HIV về cho vợ. “

HIV tràn về Vũ Tây, chị Xuân, 39 tuổi, là một trong những nạn nhân của cơn bão này. Chị phát hiện mình bị bệnh vào năm 2003 sau khi chị có thai cháu thứ ba được 6 tháng và được xét nghiệm ở xã. Chị nói:

“Em cũng là nạn nhân của đại dịch này vì chồng em làm ăn xa thì cũng có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, có sử dụng ma túy, đi làm thì cũng không biết vì không thể kiểm soát được. Sau đó em mang thai đi xét nghiệm mới biết được. Lúc đấy thì chồng đã chuyển sang giai đoạn 4 rồi.”

000_Del397012-250.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm trẻ mồ côi nhiễm HIV tại chùa Ngọc Lâm ngày 22 tháng bảy năm 2010. AFP Photo/Paul J. Richards

Chồng chị mất trước khi chị sinh cháu. Sự thiếu hụt về kiến thức của căn bệnh đã khiến chị lo lắng, vì nghĩ rằng mình chắc chẳng còn sống được bao lâu:“Lúc đấy thực sự ra mình không có kiến thức nào, mình chỉ lo lắng vài năm nữa chúng mất cha, còn mình, không biết liệu mình có thể giữ được cái thai an toàn không. Lúc đó chả có tâm trạng nào sinh con cả.”

Không những thế, báo chí trong nước lúc đó được tin về Vũ Tây là xã có nhiều người nhiễm HIV, đã đổ về đây viết tin về những người phụ nữ không may nhiễm bệnh. Hình ảnh mà một số báo miêu tả về các chị và con cái của các chị đã không những không an ủi, khuyến khích các chị sống mà còn làm cho các chị lo lắng hơn. Chị Xuân nhớ lại:

“Trước đây em không biết, khi tiếp xúc với một số phóng viên, họ giới thiệu họ ở bên báo Sức khỏe gia đình, nhưng sau đó lại đăng trên An ninh thế giới. Bọn em cũng chia sẻ thông tin nhưng họ viết thì lại đưa ra nhiều ý kiến tiêu cực. Ví dụ họ đưa ra cụ thể một cặp vợ chồng nào đấy, họ nói là án tử hình cho gia đình nhà này, thì em nghĩ đó là tiêu cực cho gia đình người bị nhiễm. Bọn em muốn chia sẻ với những người có nguy cơ cao, những người bị nhiễm để họ có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Ở đây một số phóng viên người ta viết lại đưa bi quan.”

Họ có ít điều kiện tiếp cận đến những thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc quan hệ tình dục, hoặc dịch vụ xã hội y tế để cung cấp thêm kiến thức và dịch vụ cho họ khi cần.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

Những người phụ nữ gặp tình cảnh như chị Xuân ở xã Vũ Tây lúc đó không hiếm. Họ gặp những khó khăn ban đầu như sự phân biệt đối xử của xã hội, thêm vào đó là những khó khăn về kinh tế. Những người đàn ông, trụ cột gia đình, mắc bệnh và mất để lại gánh nặng gia đình lên vai những người vợ cũng không may nhiễm virus do chồng truyền lại. Chị Phượng, 34 tuổi, người cũng bị nhiễm HIV từ chồng, cho biết:

“Những người bình thường có đủ vợ chồng có đủ sức khỏe thì việc nuôi con ăn học đã là một vấn đề. Bản thân tôi sức khỏe thì làm cũng có hạn, còn chồng tôi khi bị bệnh cũng không làm gì nữa, chỉ quanh quẩn làm ruộng ở nhà, chăn nuôi con gà con lợn. Cuộc sống khó khăn nhưng chúng tôi phải khắc phục vì còn lúc ốm lúc đau, con đi học.”

Chồng chị Phượng mới mất cách đây không lâu do bị u não, không liên quan đến các bệnh cơ hội do AIDS gây nên.

Tuyên truyền để giúp nhau

Những khó khăn trong cuộc sống đã không làm cho những người phụ nữ ở xã Vũ Tây chùn lòng. Họ đã vươn lên, bươn chải, kiếm sống nuôi con ăn học. Và không những thế, họ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Tháng 2 năm 2005, nhóm Vì Ngày mai Tươi sáng của những người nhiễm HIV lần đầu tiên được thành lập tại Vũ Tây, và cũng là câu lạc bộ tự lực của người có HIV đầu tiên tại tỉnh. Chị Xuân là trưởng nhóm. Từ 8 thành viên ban đầu, với 5 nam, 3 nữ, giờ nhóm đã có 85 người bao gồm cả những người từ các xã khác. Chị Xuân nói về hoạt động của nhóm như sau:

“Mục đích ban đầu chỉ đơn giản là tập trung mọi người để chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần thôi. Sau đó có nhiều hoạt động hỗ trợ, cho vay vốn tạo thu nhập, nghề phụ cho người có HIV, làm công tác truyền thông. Bây giờ cuộc sống của chị em cũng ổn định rồi. Mấy năm trước thì vừa lo đời sống tinh thần, vừa lo vật chất vì những chị em chồng mới qua đời ai cũng khó khăn. Dần dần mọi người vượt lên vì ai cũng làm thêm nghề phụ, người thì vào công ty may, người đan lát thêm ở nhà. Phần lớn chị em đều tự lo được, nuôi con được.”

Những năm đầu thành lập, các thành viên còn phải tự đóng góp tiền để lúc nào trong nhóm có ai ốm đau hay ma chay còn có kinh phí để mua quà thăm hỏi. Nhưng những năm gần đây, được sự hỗ trợ kinh phí từ các dự án nước ngoài như của Ngân hàng Thế giới, những thành viên của nhóm đã không phải tự đóng tiền nữa.

aids-china-250.jpg
Sinh viên Trung Quốc sử dụng ruy-băng đỏ kết thành chữ AIDS tại tỉnh An Huy hôm 30/10/2009. AFP photo

Không những thế, họ còn có thêm nhiều hoạt động truyền thông trong xã, huyện về HIV/AIDS cho người dân, tuyên truyền giúp phòng chống HIV/AIDS. Chỉ riêng năm 2009, nhóm đã thực hiện được 26 cuộc truyền thông trong huyện, chủ yếu là các buổi biểu diễn văn nghệ ở sân vận động xã. Diễn viên là những người nhiễm HIV, có nói chuyện về phòng chống HIV/AIDS, phát tờ rơi và bao cao su miễn phí cho người dự.Ngoài ra, các chị em phụ nữ trong nhóm cũng thường xuyên đến các gia đình có chồng hay phải đi làm ăn xa để tuyên truyền về cách phòng chống bệnh cho gia đình. Chị Xuân cho biết thêm:

“Bọn em tranh thủ những tháng ngày mưa, tháng tết họ về mình đi làm truyền thông, mình mang tờ rơi rồi mình đến tận nhà tuyên truyền cho những người đi làm ăn xa. Chị em chia nhau ra các thôn, các đối tượng có nguy cơ cao. Ví dụ có nghe về đối tượng này có nguy cơ cao thì mình đến tuyên truyền nhiều hơn, cách sử dụng bao cao su, sử dụng bơm kim tiêm riêng. Ở trên miền núi thì việc mua kim tiêm rất khó, nên nhiều anh em mua về sử dụng chung cho cả một nhóm người. Bọn em hướng dẫn họ cách sử dụng như thế nào, làm thế nào để tiệt trùng kim tiêm.”

Cũng vì tích cực tuyên truyền, nên kiến thức của người dân trong xã Vũ Tây về căn bệnh thế kỷ đã cải thiện. Những thành viên trong nhóm Vì Ngày mai Tươi sáng cho biết sự phân biệt kỳ thị đối với những người nhiễm virus HIV ở xã giờ đây đã có những cải thiện đáng kể. Con em của các gia đình có người nhiễm HIV đã được đi học hòa nhập với các bạn. Bản thân các chị phụ nữ và các ông chồng cũng chủ động đến xin bao cao su để tự bảo vệ mình. Chị Phượng cho biết:

“Bản thân tôi là trưởng một câu lạc bộ, nhà tôi có bao cao su. Những người đi làm ăn xa họ chủ động đến xin bao mang đi. Có những người vợ khi biết sắp đến mùa mưa rồi thì đến xin bao về. Có những ông chồng rất khó nhưng mình cũng phải giải thích để họ hiểu về thuyết phục chồng mình.”

Ở Vũ Tây, những người đi làm ăn xa thường về quê một năm hai lần. Một lần vào mùa mưa khoảng 1 tháng hoặc hơn, và một lần vào dịp Tết.

Bên cạnh những tiến bộ nhất định trong công tác phòng chống HIV/AIDS có phần đóng góp rất lớn của các chị em phụ nữ, bản thân các chị vẫn gặp những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Theo chị Xuân, một trong những khó khăn lớn nhất đó là vấn đề kỳ thị ở bên ngoài địa bàn các chị sống và do đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các chị.

Ở trên miền núi thì việc mua kim tiêm rất khó, nên nhiều anh em mua về sử dụng chung cho cả một nhóm người. Bọn em hướng dẫn họ cách sử dụng như thế nào, làm thế nào để tiệt trùng kim tiêm.”

Chị Xuân, người dân xã Vũ Tây

Những chị em ở xã đã đi làm ở một số công ty hiện vẫn không dám công khai mình là người có HIV vì sợ mất việc, mặc dù luật phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam chống mọi hình thức phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS. Bản thân chị Xuân cũng không dám nói tên thật của mình vì lo ngại người con đầu của chị đang học đại học ở xa sẽ bị ảnh hưởng vì cái tiếng mẹ nhiễm HIV.

Mười năm đã trôi qua kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên ở xã Vũ Tây được phát hiện. Trải qua mười năm đầy những khó khăn và thử thách, nhiều chị em phụ nữ trong xã, những người nông thôn Việt Nam bình dị không may nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh và vui vẻ. Xin mượn lời nhắn của chị Phượng đến các chị em phụ nữ để làm phần kết cho bài này.

“Hãy chủ động trong việc tiếp cận thông tin này và tìm hiểu thông tin nhiều hơn để phòng tránh và chia sẻ với chồng con khi họ làm ăn xa.”

Việt Hà, phóng viên RFA
 

Nhãn: , , , , , , , ,

Tâm lý người nhiễm HIV

Khi biết mình nhiễm HIV, nhiều người thường cho rằng tất cả đều đã chấm hết(!). Họ bị nhiều chấn động về tâm lý như sợ hãi, khủng hoảng, suy sụp tinh thần …

Những chấn động này nếu quá nặng nề cũng có thể bị điên lắm chớ ! Trong giai đoạn này, vai trò của tham vấn viên và thái độ cư xử của cộng đồng, gia đình, bạn bè là hết sức quan trọng để người nhiễm ổn định tâm lý và tiếp tục hòa nhập vào xã hội.

ảnh minh họa

 

Giận dữ

 

Khi giận dữ, người ta thường đỏ mặt, nói to, quát mắng những những người xung quanh. Lúc này người nhiễm HIV thường cảm thấy bất yên, đi đi lại lại hoặc im lặng một cách bất thường, tránh nhìn mọi người, tự hành hạ mình. Đôi khi trong trạng thái giận dữ, người có HIV còn có thể có hành vi bạo lực với người khác hoặc tỏ ra không hợp tác. Nguyên nhân là do:

– Tự trách mình đã gây nhiễm cho người yêu, vợ, chồng hoặc con cái, hoặc làm khổ gia đình

– Tức giận với người đã lây nhiễm cho mình

– Tức giận với những hành vi, cử chỉ của người khác tạo cho mình cảm giác bị kỳ thị

– Tức giận với gia đình vì gia đình đã chối bỏ, không chấp nhận hoặc kỳ thị

Người có HIV cần làm gì?

– Tìm người thích hợp để tâm sự về nỗi tức giận của mình (gia đình, bạn bè, những người mà mình tin tưởng và có thể thông cảm với mình)

– Nghĩ đến hậu quả của sự giận dữ. Hãy nghĩ đến đối tượng mà mình thể hiện sự tức giận là ai và những kết quả của sự giận dữ với người đó và ngay với ngay chính bản thân mình.

– Nhớ lại kinh nghiệm của mình trong những lần giận giữ trước và cách để làm cho mình bình tĩnh lại.

Người chăm sóc cần làm gì?

– Tìm hiểu nguyên nhân của sự giận dữ từ đó mà tìm cách khuyên giải

– Để nguời có HIV nói về nỗi tức giận của mình, điều này thường giúp làm tiêu tan nỗi giận dữ. Cố gắng cho thấy rằng bạn hiểu tình cảnh của người ấy bằng cách nói ra.

– Khi người đó đã bình tĩnh lại, hãy giúp họ nhận ra hậu quả của sự giận giữ đó.

Sợ hãi và lo lắng

Nguyên nhân của sự lo lắng thường do:

– Sợ vì nghĩ rằng cái chết của mình đã được báo trước

– Lo sợ lây nhiễm cho gia đình

– Lo sợ bị mất việc làm

– Lo sợ vì không có thuốc chữa

– Lo sợ không có đủ tiền mua thuốc

– Lo sợ hàng xóm, bạn bè biết sẽ xa lánh, kỳ thị

– Sợ bị gia đình bỏ rơi

Người có HIV nên làm gì?

– Tìm hiểu thêm thông tin, đến cơ sở tư vấn để được hướng dẫn cách phòng lây nhiễm cho những người xung quanh

– Đến các trung tâm tư vấn, cơ sở y tế hoặc tìm đọc các tài liệu thích hợp để biết cách giữ gìn sức khoẻ, tăng cường khả năng miễn dịch và đề phòng các nhiễm trùng cơ hội

– Tìm đến các cơ sở y tế, tư vấn, tổ chức của những người nhiễm để được giải đáp cho những lo lắng của mình

– Tham gia vào các hoạt động thể lực và giao tiếp với mọi người tránh để thừa thời gian dẫn đến những suy nghĩ và lo lắng không cần thiết

Người chăm sóc nên làm gì?

– Người thân nên hỗ trợ về mặt tinh thần, gần gũi với người có HIV để họ luôn cảm thấy được chia sẻ.

– Khi người có HIV ở trong trạng thái bình tĩnh nên có những cử chỉ, hành động khuyến khích họ ra khỏi sự sợ hãi, lo lắng, xác định nguyên nhân gây nên sự sợ hãi và cùng họ tìm giải pháp cho những nguyên nhân đó.

– Gợi ý các hoạt động mà có thể làm cho người có HIV không còn chỉ nghĩ đến nỗi sợ hãi/ lo lắng của mình.

Cô đơn, tự kỳ thị

Sự kỳ thị thường bắt đầu khi các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ hoặc khi bạn tình hoặc vợ, chồng của mình chết vì AIDS. Trạng thái cô đơn xuất hiện khi người có HIV cảm thấy là không ai chia sẻ những khó khăn, trăn trở của mình hoặc không ai hiểu mình. Người có HIV lúc đó thường cảm thấy cô đơn và vô vọng.

Nguyên nhân là do:

– Do bị người khác kỳ thị, phân biệt, đối xử, xa lánh

– Cảm thấy có lỗi với bản thân, có lỗi với gia đình vì mình sống buông thả hoặc không cẩn thận

– Không có người để chia sẻ và tâm sự những lo lắng và suy nghĩ của mình và không ai hiểu mình

– Cảm giác mình là người thừa trong gia đình do gia đình không quan tâm

– Cảm thấy vô dụng, là gánh nặng cho gia đình hoặc cảm thấy cô đơn và vô vọng

– Người có HIV nên chủ động vượt qua cảm giác tự kỳ thị và cô đơn bằng cách tự hoà nhập vào các hoạt động của gia đình, bạn bè, cộng đồng và cơ sở làm việc

Người có HIV nên làm gì?

– Cố gắng hoà nhập vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng để thấy rằng mình vẫn còn có ích cho gia đình và cộng đồng.

– Tìm công việc thích hợp với sức khoẻ của mình để đóng góp cho gia đình và xã hội

– Gặp gỡ, nói chuyện và có các hoạt động cùng người có HIV

– Tìm ra những ưu điểm, mặt mạnh và khả năng vốn có của mình và phát huy những ưu điểm đó để đóng góp cho gia đình và xã hội

Người chăm sóc nên làm gì?

– Quan tâm, chú ý đến người có HIV hoặc dành thời gian ở bên cạnh họ mặc dù họ có thể không muốn trò chuyện

– Lắng nghe một cách thông cảm, đảm bảo tính bí mật của các thông tin mà người có HIV nói

– Tìm hiểu nguyên nhân của sự kỳ thị, giúp người có HIV suy nghĩ một cách tích cực

– Các thành viên trong gia đình cần tỏ rõ sự thông cảm và đón nhận người có HIV, coi người đó như một người bình thường. Tuy nhiên, cần chú ý sự quan tâm thái quá đôi khi làm cho người nhiễm HIV cảm thấy tự kỳ thị

– Hỗ trợ về mặt tinh thần bằng cách cung cấp thông tin về các tiến bộ trong điều trị và chăm sóc cũng như thông tin về các hoạt động của những người nhiễm khác

– Hỗ trợ và khuyến khích người nhiễm gặp gỡ, trao đổi và tham gia các hoạt động cùng những người nhiễm khác theo mô hình câu lạc bộ hoặc các nhóm đồng đẳng

Buồn bã, trầm uất

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do:

– Không có điều kiện để điều trị hoặc điều trị không có kết quả

– Cảm thấy bế tắc, không có lối thoát do không có điều kiện để điều trị hoặc bị bỏ rơi

– Cảm giác mất mát hết: công việc, người thân, tiền bạc, sức khoẻ

– Mất niềm tin, bị thất vọng

Người có HIV nên làm gì?

– Tìm cách giải trí để thay đổi tâm trạng như đi xem phim, xem TV, ca nhạc

– Tìm một người bạn hoặc người đáng tin cậy để tâm sự về trạng thái tâm lý của mình

– Tự xác định nguyên nhân của tình trạng trầm uất của mình và quyết định một giải pháp cho nguyên nhân gây ra trầm uất

– Tìm gặp những người có thể hỗ trợ mình trong việc giải quyết các nguyên nhân gây trầm uất cho mình để yêu cầu giúp đỡ

– Nhớ lại kinh nghiệm của mình trong việc đối phó với tình trạng trầm uất trước đây và làm theo

– Nếu sau khi đã cố gắng tự giải mà vẫn không thoát khỏi tình trạng trầm uát thì cần đến bác sỹ để được điều trị

– Sau khi đã thoát khỏi tình trạng trầm uất, cần giải quyết sớm các nguyên nhân đã gây nên trầm uất cho mình để tránh bị trầm uất trở lại

Người chăm sóc nên làm gì?

– Thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đến người nhiễm HIV mặc dù họ không muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình

– Chú ý và khích lệ người có HIV nói về cảm xúc của mình. Hỗ trợ về mặt tinh thần cho người nhiễm để họ có thể giải quyết các vấn đề của mình

– Lắng nghe một cách cảm thông và chú ý đến từng lời nói của họ

– Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trầm uất và hỗ trợ một cách tốt nhất để giải quyết

– Sau khi đã tìm cách giúp đỡ mà người nhiễm vẫn không thoát khỏi tình trạng trầm uất thì nên đưa họ đến một chuyên gia hoặc bác sỹ tâm lý để được chăm sóc và điều trị thích hợp về mặt chuyên môn

– Sau khi người nhiễm HIV đã được điều trị cần chú ý hỗ trợ họ để tránh lặp lại các nguyên nhân gây trầm uất

 

Forum.hiv

 

Nhãn: , , , ,