RSS

Tag Archives: trẻ có H

Trẻ có H đến trường trong nước mắt

Chỉ có 1/3 số trẻ nhiễm HIV tại TP HCM được đi học, do xã hội còn sự kỳ thị, phân biệt với các em.

Kỳ thị từ phụ huynh và nhà trường

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục Trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV đang rất nổi cộm ở các nhà trường, điều đáng nói là tư tưởng này chú yếu xuất phát từ các bậc phụ huynh. Rất ít trường chấp nhận dạy dỗ trẻ em nhiễm HIV, giúp các em hòa nhập với trẻ bình thường và xã hội.

Ông Nguyễn Trọng An đưa ra dẫn chứng: Trên địa bàn TP HCM hiện có hơn 4.000 trẻ em có HIV, trong đó, gần 2.000 em đang được điều trị ARV. Thế nhưng, khoảng 2/3 số trẻ đó không được đến trường bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV trong cộng đồng.

Số liệu của Uỷ ban Phòng chống AIDS TP HCM cho thấy, trong năm 2009, 15 em ở Trung tâm Mai Hoà (mái ấm từ thiện dành cho những người có HIV giai đoạn cuối và những trẻ có HIV) được đưa đến trường Tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi) nhập học. Thế nhưng, các em đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đông đảo phụ huynh học sinh của trường. Trước phản ứng gay gắt đó, cô trò Trung tâm Mai Hòa phải trở về trong nước mắt.

Cũng trong năm 2009, một trường mẫu giáo của quận 11 cũng gặp phải trường hợp kỳ thị tương tự. Hiệu trưởng không nhận trẻ vào học khi biết trẻ có HIV.

Năm 2010, tại huyện Nhà Bè, phụ huynh học sinh một trường tiểu học đã phản ứng dữ dội khi biết có trẻ nhiễm HIV học trong trường. Các phụ huynh xin rút đơn để chuyển trường cho con.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, trẻ em có HIV hiện nay được điều trị bằng thuốc ARV, qua xét nghiệm không tìm thấy virus HIV trong máu. Bởi vậy sự lây nhiễm là hoàn toàn rất khó xảy ra. Hơn nữa, hiện nay ngành y tế, giáo dục luôn có đủ các biện pháp để đảm bảo cho trẻ không bị lây nhiễm bệnh ở trường, nhất là HIV.

Gập ghềnh con đường đến trường

Đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (gọi tắt là Trung tâm), quận Thủ Đức – TP HCM vào một chiều muộn, chúng tôi bắt gặp từng tốp học sinh mang đồng phục đạp xe đi học về. Đây là những em mồ côi nhiễm HIV, được may mắn cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác.

Thế nhưng để có được như ngày hôm nay, lãnh đạo, nhân viên, giáo viên Trung tâm cùng với các em có H đã phải tốn bao công sức, cả nước mắt, thậm chí phải dùng “mưu kế”, “bày binh bố trận” với mục đích cuối cùng là nhà trường và xã hội hãy cho các em quyền được đi học.

Các cháu nhiếm HIV được chăm sóc tại Trung tâm tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 137 em từ sơ sinh tới 17 tuổi. Tất cả các em đều gánh “nỗi đau kép” khi vừa bị nhiễm HIV, vừa phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, hoặc bị bỏ rơi. Các em lứa tuổi lớp 1, 2, 3 học tại Trung tâm, được tham gia các hoạt động tham quan, vui chơi, tham gia hoạt động của Nhà văn hoá thiếu nhi quận Thủ Đức. Các em từ lớp 4 đến lớp 9 sẽ được Trung tâm liên hệ để được theo học tại trường phổ thông bên ngoài như những học sinh bình thường, có cơ hội tham gia tất cả các hoạt động của trường.

Em H.D, đang học lớp 6 vui vẻ cho biết: “Chúng em chơi với các bạn cùng lớp rất thân, hầu như không có phân biệt gì cả. Trước khi đến trường, chúng em đã được các cô ở Trung tâm tập huấn kỹ lưỡng, tư vấn xử lý các tình huống xảy ra. Hiện em có rất nhiều bạn ở bên ngoài, cứ dịp sinh nhật hay ngày lễ, các bạn lại vào Trung tâm để vui cùng”.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm muốn đưa các em đến trường học bình thường để hòa nhập cộng đồng, tiếp cận với chương trình giáo dục chung, để các em không bị thiệt thòi cũng như mở rộng cánh cửa vào đời. “Tuy nhiên, ban đầu việc vận động các trường bên ngoài chấp nhận các em là hết sức khó khăn, có lúc tưởng chừng thất bại. Trung tâm phải chuẩn bị tâm lý để nhà trường an tâm và lường hết các biện pháp bảo đảm an toàn cho các bé và bạn bè trong trường”, bà Kim Tiên tâm sự.

Chị Phạm Thị Bé, Trưởng phòng Quản lý giáo dục Trung tâm, kể cho chúng tôi nghe về “hành trình” giúp các em được đi học: “Ban đầu, Trung tâm phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương phải giữ kín hồ sơ về các em có H, tránh tâm lý hoang mang cho các em bình thường khác. Trong trường hợp các em cùng lớp phát hiện bạn mình sống ở Trung tâm, các em có H sẽ nói rằng, có người thân làm trong đó và vào chơi. Các em cũng phải “đóng kịch” là có bố, mẹ làm việc ở đâu đó trong quận để bạn cùng lớp không nghi ngờ. Trung tâm cử cô bảo mẫu đóng vai trò là người mẹ đưa đón các em, qua đó nghe ngóng dư luận và phản ứng của các phụ huynh, sau đó báo lại Ban Giám đốc để có hướng xử lý”.

“Đã có trường hợp phụ huynh biết là con mình “đang ngồi lớp với đứa có H”, liền đến Trung tâm và nhà trường phản ánh, đòi chuyển lớp cho con. Song được sự tư vấn của nhà trường và từ phía Trung tâm, cùng với sự nỗ lực của các em có H, các bậc phụ huynh giờ đã rất an tâm và đều mong muốn các em nhỏ thiệt thòi được hưởng quyền bình đẳng như con họ”, chị Bé tâm sự.

Hiện Trung có có 26 cháu đang theo học tại các trường Tiểu học Xuân Hiệp và THCS Xuân Trường (phường Linh Xuân, Thủ Đức). Điều đáng mừng là tất cả các em đều là học sinh khá và giỏi, có em còn làm cán bộ lớp.

Ước mơ được đến trường của trẻ có HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi mà phải gánh chịu hậu quả do bố mẹ truyền sang. Để giúp trẻ có HIV có cơ hội tiếp tục học tập hòa nhập, phụ huynh học sinh và cộng đồng cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách để không có sự kỳ thị với trẻ nhiễm bệnh.

Theo Dân Trí

 

Nhãn: ,