RSS

Tag Archives: lây nhiễm hiv

Trẻ có H đến trường trong nước mắt

Chỉ có 1/3 số trẻ nhiễm HIV tại TP HCM được đi học, do xã hội còn sự kỳ thị, phân biệt với các em.

Kỳ thị từ phụ huynh và nhà trường

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục Trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV đang rất nổi cộm ở các nhà trường, điều đáng nói là tư tưởng này chú yếu xuất phát từ các bậc phụ huynh. Rất ít trường chấp nhận dạy dỗ trẻ em nhiễm HIV, giúp các em hòa nhập với trẻ bình thường và xã hội.

Ông Nguyễn Trọng An đưa ra dẫn chứng: Trên địa bàn TP HCM hiện có hơn 4.000 trẻ em có HIV, trong đó, gần 2.000 em đang được điều trị ARV. Thế nhưng, khoảng 2/3 số trẻ đó không được đến trường bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV trong cộng đồng.

Số liệu của Uỷ ban Phòng chống AIDS TP HCM cho thấy, trong năm 2009, 15 em ở Trung tâm Mai Hoà (mái ấm từ thiện dành cho những người có HIV giai đoạn cuối và những trẻ có HIV) được đưa đến trường Tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi) nhập học. Thế nhưng, các em đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đông đảo phụ huynh học sinh của trường. Trước phản ứng gay gắt đó, cô trò Trung tâm Mai Hòa phải trở về trong nước mắt.

Cũng trong năm 2009, một trường mẫu giáo của quận 11 cũng gặp phải trường hợp kỳ thị tương tự. Hiệu trưởng không nhận trẻ vào học khi biết trẻ có HIV.

Năm 2010, tại huyện Nhà Bè, phụ huynh học sinh một trường tiểu học đã phản ứng dữ dội khi biết có trẻ nhiễm HIV học trong trường. Các phụ huynh xin rút đơn để chuyển trường cho con.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, trẻ em có HIV hiện nay được điều trị bằng thuốc ARV, qua xét nghiệm không tìm thấy virus HIV trong máu. Bởi vậy sự lây nhiễm là hoàn toàn rất khó xảy ra. Hơn nữa, hiện nay ngành y tế, giáo dục luôn có đủ các biện pháp để đảm bảo cho trẻ không bị lây nhiễm bệnh ở trường, nhất là HIV.

Gập ghềnh con đường đến trường

Đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (gọi tắt là Trung tâm), quận Thủ Đức – TP HCM vào một chiều muộn, chúng tôi bắt gặp từng tốp học sinh mang đồng phục đạp xe đi học về. Đây là những em mồ côi nhiễm HIV, được may mắn cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác.

Thế nhưng để có được như ngày hôm nay, lãnh đạo, nhân viên, giáo viên Trung tâm cùng với các em có H đã phải tốn bao công sức, cả nước mắt, thậm chí phải dùng “mưu kế”, “bày binh bố trận” với mục đích cuối cùng là nhà trường và xã hội hãy cho các em quyền được đi học.

Các cháu nhiếm HIV được chăm sóc tại Trung tâm tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 137 em từ sơ sinh tới 17 tuổi. Tất cả các em đều gánh “nỗi đau kép” khi vừa bị nhiễm HIV, vừa phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, hoặc bị bỏ rơi. Các em lứa tuổi lớp 1, 2, 3 học tại Trung tâm, được tham gia các hoạt động tham quan, vui chơi, tham gia hoạt động của Nhà văn hoá thiếu nhi quận Thủ Đức. Các em từ lớp 4 đến lớp 9 sẽ được Trung tâm liên hệ để được theo học tại trường phổ thông bên ngoài như những học sinh bình thường, có cơ hội tham gia tất cả các hoạt động của trường.

Em H.D, đang học lớp 6 vui vẻ cho biết: “Chúng em chơi với các bạn cùng lớp rất thân, hầu như không có phân biệt gì cả. Trước khi đến trường, chúng em đã được các cô ở Trung tâm tập huấn kỹ lưỡng, tư vấn xử lý các tình huống xảy ra. Hiện em có rất nhiều bạn ở bên ngoài, cứ dịp sinh nhật hay ngày lễ, các bạn lại vào Trung tâm để vui cùng”.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm muốn đưa các em đến trường học bình thường để hòa nhập cộng đồng, tiếp cận với chương trình giáo dục chung, để các em không bị thiệt thòi cũng như mở rộng cánh cửa vào đời. “Tuy nhiên, ban đầu việc vận động các trường bên ngoài chấp nhận các em là hết sức khó khăn, có lúc tưởng chừng thất bại. Trung tâm phải chuẩn bị tâm lý để nhà trường an tâm và lường hết các biện pháp bảo đảm an toàn cho các bé và bạn bè trong trường”, bà Kim Tiên tâm sự.

Chị Phạm Thị Bé, Trưởng phòng Quản lý giáo dục Trung tâm, kể cho chúng tôi nghe về “hành trình” giúp các em được đi học: “Ban đầu, Trung tâm phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương phải giữ kín hồ sơ về các em có H, tránh tâm lý hoang mang cho các em bình thường khác. Trong trường hợp các em cùng lớp phát hiện bạn mình sống ở Trung tâm, các em có H sẽ nói rằng, có người thân làm trong đó và vào chơi. Các em cũng phải “đóng kịch” là có bố, mẹ làm việc ở đâu đó trong quận để bạn cùng lớp không nghi ngờ. Trung tâm cử cô bảo mẫu đóng vai trò là người mẹ đưa đón các em, qua đó nghe ngóng dư luận và phản ứng của các phụ huynh, sau đó báo lại Ban Giám đốc để có hướng xử lý”.

“Đã có trường hợp phụ huynh biết là con mình “đang ngồi lớp với đứa có H”, liền đến Trung tâm và nhà trường phản ánh, đòi chuyển lớp cho con. Song được sự tư vấn của nhà trường và từ phía Trung tâm, cùng với sự nỗ lực của các em có H, các bậc phụ huynh giờ đã rất an tâm và đều mong muốn các em nhỏ thiệt thòi được hưởng quyền bình đẳng như con họ”, chị Bé tâm sự.

Hiện Trung có có 26 cháu đang theo học tại các trường Tiểu học Xuân Hiệp và THCS Xuân Trường (phường Linh Xuân, Thủ Đức). Điều đáng mừng là tất cả các em đều là học sinh khá và giỏi, có em còn làm cán bộ lớp.

Ước mơ được đến trường của trẻ có HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi mà phải gánh chịu hậu quả do bố mẹ truyền sang. Để giúp trẻ có HIV có cơ hội tiếp tục học tập hòa nhập, phụ huynh học sinh và cộng đồng cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách để không có sự kỳ thị với trẻ nhiễm bệnh.

Theo Dân Trí

 

Nhãn: ,

Chuyện những cặp vợ chồng nhiễm HIV

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên thì mỗi ngày có thêm gần 4 người nhiễm HIV đã đưa Điện Biên trở thành một trong những địa phương có tỉ lệ người lây nhiễm cao nhất toàn quốc. Nhiễm HIV không có nghĩa là chấm hết, thời gian qua, với nhiều biện pháp, cách làm phù hợp và hiệu quả, nhất là sự ra đời của các câu lạc bộ, tập hợp những người đồng cảnh ngộ, đã giúp vực dậy nhiều số phận, nhiều cuộc đời.

Quan trọng hơn, chính trong thời điểm bi đát nhất của cuộc sống, họ tìm thấy “cái nửa kia” của mình để cùng nhau đi tiếp chặng mới của cuộc đời dù phía trước còn nhiều thử thách, chông gai…

Điều kỳ diệu của tình yêu

Vượt qua chiếc cầu treo C4 tròng trành vắt ngang con sông Nậm Rốm, chúng tôi đặt chân vào địa phận xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Chỉ mấy chục bước chân, nhưng khác hẳn sự sôi động, ồn ào, náo nhiệt của TP Điện Biên Phủ, Thanh Yên lại rất bình yên và tĩnh lặng, nhưng nhức mắt bởi màu xanh của những cây nhãn cổ thụ tứ mùa tươi tốt. Nhà Đinh Thị Phương Lê ở đội 4, căn nhà mái bằng nhỏ, đồ đạc bài trí đơn giản nhưng sạch sẽ và ấm cúng. Phương Lê năm nay 24 tuổi, chồng cô là Nguyễn Mạnh Cường, 34 tuổi.

Hai vợ chồng Lê trở nên nổi tiếng từ cách đây hai năm khi họ tổ chức đám cưới. Nổi tiếng và “động trời” ở chỗ, cả Lê và Cường đều mang trong mình virút HIV. Vợ chồng Lê – Cường là một trong không nhiều người ở vùng biên rẻo cao, heo hút này dám công khai mình bị nhiễm HIV/AIDS, họ dũng cảm vượt qua mọi sự kỳ thị, tự nguyện gắn bó và hàn gắn lại những mảnh vỡ cuộc đời, đem hạnh phúc đến cho nhau. Giữa cơn mưa rào cuối hạ,  trong khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, họ đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và thân phận của mình…

…Cách đây gần 8 năm, khi Đinh Phương Lê mới đang học lớp 10 thì ông Đinh Xuân Nam (bố của cô) bị bắt quả tang về hành vi mua bán trái phép ma túy. Ông nghiện ngập rồi tham gia vào một đường dây ma túy xuyên tỉnh và bị lĩnh án tù chung thân, hiện đang thụ án tại Trại giam Nam Hà, Bộ Công an.

Bố đi tù, Phương Lê phải bỏ học giữa chừng để cùng mẹ tiếp tục rau cháo nuôi mấy đứa em đang tuổi ăn học. Năm Phương Lê 20 tuổi, cô đi làm công nhân ở trên thị xã Mường Lay. Những ngày tháng vất vả nơi đất khách quê người, cô đã gặp, cảm tình rồi nhận lời yêu một thanh niên cùng đội sản xuất. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, yêu nhau được vài tháng, Phương Lê đau đớn phát hiện ra người yêu nghiện hút ma túy, và không ai khác chính anh ta đã lây truyền con virút HIV quái ác sang cho cô…

Người con gái mới 20 tuổi đầu, cái tuổi nhiều mơ mộng và hoài bão dường như đã chấm hết. Nhưng chính trong những giờ phút bi đát nhất của cuộc đời, Phương Lê được các bác sĩ ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Điện Biên tìm đến và giúp đỡ. Cô được đưa đi khám bệnh, được uống thuốc ARV miễn phí. Được chăm sóc, điều trị, sức khỏe của Phương Lê dần phục hồi, cô lấy lại niềm tin yêu của cuộc sống.

Các bác sĩ và cán bộ ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tạo điều kiện cho cô được làm việc tại Phòng khám ngoại trú HIV ở Bệnh viện đa khoa Điện Biên. Ngoài công việc tại phòng khám, Phương Lê còn là một đồng đẳng viên, tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, tham gia tư vấn, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Trong những lần tham gia tư vấn, cấp phát thuốc cho bệnh nhân, Phương Lê đã gặp và quen biết Nguyễn Mạnh Cường.

Vợ chồng Lê – Cường và tác giả (bên phải).

Cường sinh năm 1976, ngày trước anh từng học khá giỏi, ngay năm đầu tiên đã thi đậu vào Trường đại học Nông nghiệp Thái Nguyên. Cuộc sống sinh viên xa nhà, không ai quản lý, Cường bị đám bạn xấu rủ rê, anh bắt đầu dùng thử ma túy, sau đó là nghiện nặng. Trầy trật mãi anh cũng có được tấm bằng cử nhân. Ra trường, Cường không đi làm mà tiếp tục lún sâu vào ma túy. Năm 2005, trong một lần bị ho sốt kéo dài, anh đi xét nghiệm và biết mình bị HIV. Từ khi biết mình nhiễm bệnh, Cường lại càng cùng quẫn, anh lao vào ma túy nhiều hơn, tự nhủ thôi đằng nào thì cũng chết…!.

Cuối năm 2008, khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn AIDS, anh nằm suốt 4 tháng trời và chỉ mong “thần chết” hãy nhanh đến mang mình đi!. Nhưng chính trong những ngày tháng đen tối, bi kịch nhất Cường mới thấy được ánh sáng của cuộc đời khi được sự chăm sóc, lo lắng của bố mẹ và những người thân – những người anh đã từng bị làm khổ khi dính vào “cái chết trắng”. Với sự giúp đỡ chân tình của các bác sĩ ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, cùng một nhóm các bạn đồng đẳng, Mạnh Cường lấy lại niềm tin, cai nghiện được ma túy và yên tâm chữa trị bệnh. Vốn là người hoạt bát, nhanh nhẹn nên sau khi hồi phục sức khỏe, Mạnh Cường được nhận vào làm việc tại Dự án FHI (Dự án Can thiệp giảm hại cho những người nghiện ma túy) thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên.

Nhưng cuộc đời anh dường như chỉ mới được viết thêm một trang mới khi anh gặp Phương Lê. Chính tình yêu chân thành của cô đã giúp anh vượt qua mặc cảm, được sống như những người bình thường. Tình yêu thật kỳ lạ, nó làm cho con người trở nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn, yêu nhau đã là một thử thách lớn, nhưng để đến được hôn nhân, đó thực sự là một kỳ tích.

Cặp vợ chồng Tòng Thị Hà – Lưu Đình Lợi (28 tuổi, ở tổ 28, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ) cũng có một số phận và cuộc đời không may mắn. Cả Hà và Lợi đều bị lây nhiễm HIV qua bạn tình và đều trải qua những thời khắc đen tối, bi đát nhất cuộc đời. Năm 21 tuổi, khi đang là sinh viên năm cuối của Trường cao đẳng Y tế Điện Biên, Tòng Thị Hà tham gia hiến máu nhân đạo và người ta báo rằng cô đã bị nhiễm HIV… Quá tuyệt vọng, đã có lúc Hà nghĩ đến cái chết. Vài ba lần, giữa đêm khuya khi mọi người đã ngủ hết, cô lang thang ra bờ sông Nậm Rốm, định nhờ dòng nước giải thoát cho mình với nỗi tuyệt vọng ê chề.

Vượt qua nỗi đớn đau của số phận, Tòng Thị Hà nỗ lực kết thúc được khóa học, cô ra trường và được phân công lên huyện miền núi Tủa Chùa công tác. Nhưng chỉ sau vài ngày đi làm, cô bắt đầu đối mặt với những lời dị nghị, gièm pha. Đi ra đường người ta cũng xì xào, chỉ trỏ con bé xinh đẹp thế kia mà nhiễm HIV đấy! Người ta, thậm chí là cả một số đồng nghiệp cũng xa lánh, ghẻ lạnh cô. Không để mình gục ngã thêm một lần nữa, Hà quyết định phải đứng dậy, chấp nhận đối đầu với dư luận. Đầu năm 2008, lãnh đạo Sở Y tế đã chấp thuận ý kiến đề đạt của cô, Hà được chuyển về công tác tại Trung tâm Phòng chồng HIV/AIDS của tỉnh Điện Biên, với nhiệm vụ tư vấn viên phụ trách hoạt động của các nhóm đồng đẳng.

Năm 2009, Tòng Thị Hà là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương, nơi tập hợp những phụ nữ không may nhiễm HIV ở TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Câu lạc bộ là nơi gặp gỡ, chia sẻ, động viên, giúp đỡ của những người cùng cảnh ngộ. “Hoa Hướng Dương” được bảo trợ bởi Dự án “Dịch vụ toàn diện phòng lây truyền từ mẹ sang con dành cho phụ nữ dễ bị tổn thương tại tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2009 – 2011, của Tổ chức Y tế Hà Lan – Việt Nam, hiện đã phát triển lên gần 50 thành viên.–PageBreak–

Khác với Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương là nơi tập hợp những phụ nữ không may nhiễm HIV, Câu lạc bộ Tia Nắng Mới ở TP Điện Biên Phủ lại tập hợp thành viên là nam giới. Chính những buổi gặp gỡ giao lưu giữa hai câu lạc bộ, Hà đã quen biết và yêu chàng trai kém may mắn Lưu Đình Lợi. Khi Lợi quyết định đưa Hà về ra mắt gia đình, mọi người không ai phản đối, nhưng mẹ anh chỉ biết ôm con mà khóc. Bà hiểu con trai mình đã và đang trong tình cảnh ốm đau, bệnh tật như thế, bây giờ lại có thêm con dâu, lấy nhau rồi lại sinh con đẻ cái, một nỗi sợ hãi mơ hồ xâm chiếm lòng bà…

Nhưng rất may là đôi bạn Đình Lợi và Tòng Thị Hà lại rất được bà con chòm xóm vun vén, ủng hộ, nhất là cấp ủy, chính quyền khối phố, luôn có mặt kịp thời mỗi khi chuyện tình cảm của hai người gặp trở ngại. Đầu năm 2009, đám cưới hai người được tổ chức. Dự định chỉ làm vài mâm cỗ mời gia đình và những người thân thôi, nhưng hôm đó có hàng trăm người dù không được mời cũng đến chung vui và chúc phúc cho đôi bạn trẻ.

Giờ đây, sau chuỗi ngày tủi nhục, sau những vấp ngã cả Mạnh Cường – Phương Lê và Lưu Đình Lợi – Tòng Thị Hà đều tìm thấy một nửa của đời mình. Căn nhà nhỏ của họ giờ đây ngày ngày đầy ắp tiếng cười, họ thực sự hạnh phúc bên nhau. Họ đều tìm cho mình những công việc khá ổn định, lại sẵn có kiến thức về nông nghiệp (như Mạnh Cường), về cơ khí (như Đình Lợi), cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình, sự ủng hộ của bạn bè thân thiết, hai cặp vợ chồng này đang trăn trở với bao kế hoạch làm giàu, dự định đầu tư phát triển một trang trại trồng hoa, chăn nuôi lợn, mở xưởng cơ khí… đang dần trở thành hiện thực.

Phương Lê tâm sự: “Với kiến thức trong nghề y, chúng em có điều kiện để chăm lo nhiều hơn cho sức khỏe. Nhiễm HIV không có nghĩa là chấm hết, nếu chúng ta lạc quan, tự tin hòa nhập cuộc sống…”. Tâm sự với tôi, Tòng Thị Hà cho biết, vợ chồng cô đang rất khát khao có một đứa con. Vẫn biết chuyện có con đối với hai người cùng nhiễm HIV là rất khó khăn, ngay cả có sự can thiệp của kỹ thuật y tế hiện đại; nhưng cô vẫn hy vọng việc tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc nghiêm ngặt và sự hỗ trợ của Dự án Phòng chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con, sẽ giúp vợ chồng cô đạt được ước muốn…

Hạnh phúc khi dang rộng vòng tay…

Đến tháng 6/2010, toàn tỉnh Điện Biên ghi nhận hơn 4.400 người nhiễm HIV, hơn 2.100 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, đáng chú ý, gần 86% số người nhiễm đang ở độ tuổi từ 20 đến 39… Trong khi cuộc chiến đấu chống căn bệnh này còn đang gặp rất nhiều khó khăn, thì sự ra đời của các câu lạc bộ, các nhóm đồng đẳng được coi là cứu cánh, là giải pháp hữu hiệu nhất để tăng hiệu quả công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS.

Bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết, từ năm 2009, với sự ra đời của 2 câu lạc bộ (Hoa Hướng Dương và Tia Nắng Mới), đã tập hợp được hơn 150 người nhiễm HIV  trên địa bàn TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Mường Ảng và sắp tới đây là Tuần Giáo (những trọng điểm về số lượng và tốc độ lây nhiễm HIV của tỉnh Điện Biên). Các CLB đều đặn mỗi tuần sinh hoạt một lần, tùy theo khả năng của mọi người, hàng tháng quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ gia đình những người nhiễm HIV/AIDS lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đám cưới của vợ chồng Lưu Đình Lợi – Tòng Thị Hà

Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương tâm sự: “Bằng kinh nghiệm của mình, sẽ không ai có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả như những bệnh nhân HIV. Chính họ sẽ gần gũi, động viên và giúp nhiều người khác cai nghiện ma túy, tuân thủ phác đồ điều trị, kéo dài sự sống, loại trừ nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng”.

Cho đến nay, từ mô hình các câu lạc bộ và nhóm đồng đẳng, đã có gần chục đôi tình nhân đi đến hôn nhân. Ngoài vợ chồng Mạnh Cường – Phương Lê, Tòng Thị Hà – Lưu Đình Lợi ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ; còn có Lò Thị Lả – Phạm Đình Thi ở Noong Hẹt, huyện Điện Biên v.v… Ngoài ra còn rất nhiều đôi trai gái khác đã dũng cảm công khai danh tính, vượt qua mặc cảm, vượt qua số phận, cai nghiện được ma túy, đem đến hạnh phúc cho nhau bằng tình yêu và sự chia sẻ chân thành.

Bác sĩ Hoàng Xuân Chiến vui mừng cho biết, nếu như trước đây, ở các bản làng vùng cao, vùng nông thôn, tâm lý kỳ thị, mặc cảm với những người bị nhiễm HIV rất trầm trọng thì nay đã khác. Được tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là qua các cuộc hôn nhân của những đôi trai gái bị HIV, người dân đã từng bước thay đổi quan niệm, thay đổi nhận thức…

Mỗi đôi uyên ương này tuy mỗi người có một hoàn cảnh, con đường không may bị lây nhiễm tuy khác nhau, nhưng họ đều có chung một “mẫu số”, đó là cùng phải trải qua những năm tháng đen tối nhất của cuộc đời, nhưng đúng như bác sĩ Hoàng Xuân Chiến đã khẳng định, điều quan trọng nhất để họ đứng dậy là sự quan tâm, săn sóc, không kỳ thị của gia đình, chòm xóm, cơ quan đoàn thể và xã hội. Sau vấp ngã, sau những bước chân tròng trành của số phận, người chiến thắng là người đứng dậy và đi tiếp, dẫu đường đời vẫn còn nhiều thử thách, gian nan…

Vũ Mạnh  Hà

 

Nhãn: , , ,

VNSTEEL lồng ghép tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS

Trong đợt khám sức khỏe định kỳ năm 2010, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS nơi làm việc của VNSTEEL đã phối hợp với Dự án HIV nơi làm việc để lồng ghép cung cấp thông tin, kiến thức và vấn đề liên quan đến phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho CBCNV cơ quan Tổng công ty.

Công tác chăm sóc sức khoẻ (CSSK) người lao động không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà còn mang ý nghĩa nhân văn, đó chính là niềm tin của người lao động đối với chính sách phát triển con người của doanh nghiệp. Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc đó,  hàng năm VNSTEEL phối hợp với các bệnh viện có uy tín hàng đầu tại Hà Nội tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CBCNV. Nội dung các đợt khám gồm: khám tầm soát phát hiện, tư vấn điều trị, quản lý các bệnh có nguy cơ cao cho sức khỏe CBCNV, tư vấn cách phòng chống bệnh, các rối loạn sức khỏe thường gặp để nâng cao nhận thức của CBCNV, qua đó thực hiện nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Vì vậy, tỉ lệ CBCNV tham gia luôn đạt trên 90%.

Trong đợt khám sức khỏe định kỳ năm 2010, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS nơi làm việc của VNSTEEL đã phối hợp với Dự án HIV nơi làm việc lồng ghép tuyên truyền cung cấp thông tin, kiến thức và các vấn đề liên quan đến phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho CBCNV cơ quan.

Buổi tuyên truyền được tổ chức dưới một số hình thức như: phát Phiếu khảo sát không điền tên, các câu hỏi trắc nghiệm về chủ đề HIV; thảo luận trực tiếp với Tuyên truyền viên của VNSTEEL và cán bộ dự án; chiếu các video ca nhạc và film liên quan đến HIV/AIDS và giảm kì thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, tốc độ gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS đã được kiềm chế ở mức thấp, tuy nhiên việc lây nhiễm vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, việc tổ chức những buổi tuyên truyền như thế này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS,  kiềm chế tốc độ gia tăng lây nhiễm HIV.

(Phùng Vũ Anh)

 

 

Nhãn: , , , ,

HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?

Qua nghiên cứu thuần tập của WHO trên 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV (không được can thiệp) cho thấy có khoảng 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị lây nhiễm HIV trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV thì có 36 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…

Lây truyền trong thời kỳ mang thai

Sự lây truyền HIV qua con đường này có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy có tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần.

Mẹ có thể lây truyền HIV cho con trong thời gian mang thai.

Các nhà khoa học đã tìm thấy HIV trong gan, thận, não của bào thai 13 tuần tuổi của người mẹ nhiễm HIV. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy có các bất thường về tổ chức học, đặc biệt ở não và tuyến hung của các bào thai nhiễm HIV. Ở một số trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã có các rối loạn miễn dịch, đặc biệt là sự bất thường về số lượng tế bào CD4 cho thấy có sự lan truyền HIV rất sớm từ mẹ sang con. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai qua bánh rau. Các nhà chuyên môn còn gọi đây là kiểu “lây truyền dọc”.

Vai trò của bánh rau trong việc lây truyền HIV trong tử cung rất phức tạp và còn nhiều điểm chưa rõ. Cấu trúc và đặc điểm chức năng của bánh rau thay đổi theo tiến triển của thai nghén. Bình thường, mặt bánh rau có cấu tạo đặc biệt, bao gồm nhiều “màng ngăn”. Các vách ngăn này có chức năng như các “hàng rào” bảo vệ, chỉ “cho phép” những gì tinh túy nhất của người mẹ như chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể… được đi qua để sang nuôi dưỡng bào thai, chứ không cho vi khuẩn, virut… chui sang để gây hại cho thai nhi. Như vậy, thông thường nhờ có bánh rau nên cho dù có nhiễm virut ở mẹ thì virut cũng bị màng ngăn của rau thai chặn lại và không truyền qua thai được.

Tuy nhiên, khi bánh rau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn (làm tổn hại đến vách ngăn này) hoặc bề dày của bánh rau (vách ngăn) mỏng đi vào nửa sau thai kỳ, HIV tự do hay nằm trong các tế bào dễ dàng di chuyển qua bánh rau vào thai nhi. Khoảng 20- 30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là bị lây truyền qua bánh rau. Tỷ lệ này có thể tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng, mẹ bị sơ nhiễm HIV trong khi đã có thai (khi đó nồng độ HIV trong máu rất cao) hoặc nếu mẹ đã mang thai rồi mới bị nhiễm HIV thì nguy cơ lây truyền HIV sang con qua bánh rau tăng lên. Tương tự như vậy, người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn mới mang thai thì nguy cơ này cũng tăng lên.

Lây truyền trong khi sinh

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, virut trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV)  hoặc do sự trao đổi máu mẹ – thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ). Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn…

Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao, nhất là khi thời gian này trên 4 giờ. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.

Nghiên cứu các trẻ sinh đôi, sinh ba… của các bà mẹ bị nhiễm HIV cho thấy, đứa trẻ sinh ra trước thường có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn đứa trẻ sinh ra sau (đứa trẻ ra trước tiếp xúc trực tiếp với nhiều dịch tiết âm đạo có chứa HIV của mẹ nhiều hơn, nên nguy cơ bị nhiễm HIV lớn hơn so với đứa ra sau). Cũng vì lý do này mà một số chuyên gia cho rằng, việc rửa âm đạo khi chuyển dạ bằng các chất diệt virut vừa không gây nguy hại cho mẹ và thai nhi vừa làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con khi sinh.

Suckhoedoisong

 

 

Nhãn: , , ,

Các bà mẹ nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh bình thường

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai ở nước ta đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu số phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn, thường ở giai đoạn thăm khám khi mang thai và chuyển dạ nên rất khó khăn trong việc bảo vệ trẻ không bị lây nhiễm HIV.

HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con ngay trong giai đoạn là bào thai, khi sinh và trong thời gian cho con bú. Trong các giai đoạn này, nếu người mẹ biết rõ tình trạng bệnh tật của mình và được tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc, điều trị kịp thời thì nguy cơ lây truyền nhiễm HIV sang con rất thấp. Vì vậy, những người phụ nữ bị nhiễm HIV khi mang thai cần được tư vấn và xét nghiệm cơ bản để phòng tránh, phát hiện sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV.

Mặc dù đến thời điểm hiện nay, y học thế giới chưa tìm ra thuốc đặc hiệu và vắc-xin phòng, chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS, nhưng cũng đã có thuốc, cùng các dịch vụ chăm sóc phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khá hiệu quả. Theo các chuyên gia, khi biết mình bị nhiễm HIV, các bà mẹ nên điều trị bằng thuốc ARV để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu khả năng lây truyền HIV cho con. Việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc vào khoảng tháng thứ 7 (tuần thứ 28) của thai kỳ là tốt nhất. Tiếp đến giai đoạn sinh nở, HIV có thể lây truyền từ mẹ nhiễm HIV do em bé nuốt phải dịch âm đạo hoặc máu của mẹ từ những vết rách hoặc cắt trong khi sinh hoặc các dịch tiết thấm qua niêm mạc mắt, miệng… của em bé khiến nguy cơ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.

Các chuyên gia khẳng định: Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì mỗi năm ở nước ta sẽ có khoảng 2.000 trẻ em thoát khỏi nguy cơ nhiễm HIV. Chính vì vậy, các bà mẹ cần phải xét nghiệm HIV trước và ngay sau khi mang thai để nhận được những chăm sóc và điều trị cần thiết để bảo vệ bé được an toàn.

Bác sĩ CÔNG THẢO
Theo qdnd

 

Nhãn: , , , , , , ,

“Vũ khí” mới để ức chế HIV

Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm một loại peptide mới có tác dụng rất mạnh trong việc ngăn chặn HIV xâm nhập tế bào. Loại peptide này sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên con người trong vòng 2 năm nữa, mở ra cơ hội phát triển thuốc mới để chống HIV/AIDS
Sau khi sàng lọc cả một “thư viện” chứa hàng trăm triệu peptide, tức các chuỗi acid amin, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Utah đã phát hiện được loại peptide hiếm hoi, được gọi là D-peptide, có khả năng kết dính vào một cấu trúc được gọi là “pocket”, có ở tất cả các dòng HIV.

Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm một loại peptide mới có tác dụng rất mạnh trong việc ngăn chặn HIV xâm nhập tế bào

Cấu trúc này đã được các nghiên cứu trước đây xác định là thành phần quan trọng giúp HIV xâm nhập vào tế bào. Khi kết chặt vào “pocket” của HIV, D- peptide sẽ gây ức chế để ngăn chặn khả năng đó của vi-rút.

Nhà hoá sinh học Michael S. Kay, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Tất cả các dòng HIV đều có pocket giống nhau, do đó, khi cấu trúc này bị thay đổi, HIV sẽ mất khả năng xâm nhập tế bào”.

Theo nhóm nghiên cứu, D-peptide là chất gây ức chế, có khả năng chống vi khuẩn mạnh gấp 40.000 lần so với những loại peptide đã được sử dụng trước đây.

Peptide là các hợp chất có thể tồn tại ở 2 dạng: tự nhiên và nhân tạo, chẳng hạn như các nội tiết tố và thuốc kháng sinh.

Theo ông Kay, “không như các peptide tự nhiên dễ bị cơ thể hấp thụ, D-peptide có tính bền vững cao hơn, nhờ đó nó có thể tồn tại và phát huy tác dụng trong cơ thể lâu hơn”.

Theo ông: “D-peptide mạnh hơn rất nhiều so với các peptide tự nhiên và có thể được đưa vào cơ thể bằng đường miệng. Thuốc được bào chế từ peptide nhân tạo thường kém hiệu quả vì nó phải được tiêm và dễ bị thoái hoá bởi tác động của cơ thể”.

Trước khi được sử dụng để phát triển một loại thuốc mới chống HIV/AIDS, D-peptide đang được thử nghiệm tiền lâm sàng để xác định mức độ công hiệu cũng như để biết chúng có độc tính gì hay không.

Ông Kay nói: “Thuốc gây ức chế này có thể được thử nghiệm lâm sàng trên con người trong vòng 2 năm nữa. Vấn đề còn lại hiện nay là tính an toàn của một loại thuốc như thế”.

Theo ông, nhóm nghiên cứu đang cố gắng trả lời các câu hỏi: “Thuốc đó có độc không? Có yếu tố nào đó trong cơ thể can thiệp vào hoạt động của thuốc hay không?”.

Khi được chứng minh về công hiệu và tính an toàn, D-peptide có thể chế ngự HIV ở những người đã nhiễm vi-rút này và ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV sang người khoẻ mạnh”.

Ngoài ra, những chất gây ức chế này còn có thể được sử dụng như chất khử vi trùng để dùng trong quá trình giao hợp nhằm ngăn chặn lây nhiễm HIV. Một loại thuốc như thế sẽ rẻ tiền và có khả năng cứu sống nhiều người, nhất là ở các nước đang phát triển”.

Nghiên cứu này được sự tài trợ của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu của trường Đại học Utah.

 

Nhãn: , ,

Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong các trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội

Đó tên chủ đề của một cuộc hội thảo chuyên đề do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức trong hai ngày 28-29 tháng 10 vừa qua.

Hội thảo này là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Phòng, chống HIV/AIDS khu vực châu Á”, do Chính phủ Úc và Hà Lan đồng tài trợ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Công an thực hiện.

Gần 50 đại biểu đại diện cho Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội ở 03 tỉnh Hòa Bình, Bắc Kan và Tuyên Quang (các địa bàn triển khai dự án) đã về dự hội thảo, với sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và sự tham gia của ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cùng một số chuyên gia trong nước và quốc tế.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã được nghe thuyết trình, thảo luận chung và thảo luận tại các tổ về các vấn đề liên quan đến can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, như: Chính sách và pháp luật của Việt Nam về giảm tác hại; thực trạng công tác giảm tác hại ở Việt Nam; kinh nghiệm triển khai các can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong các cơ sở khép kín trong khu vực và trên thế giới; các vấn đề về quan hệ tình dục đồng giới nam trong các cơ sở khép kín; các khó khăn, thách thức cũng như nội dung, biện pháp triển khai can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong các cơ sở khép kín…

Kết quả Hội thảo sẽ là một trong những cơ sở để Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cũng như chỉ đạo triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội ở nước ta.

Ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Một góc của Hội thảo

 

Nhãn: , , , ,