RSS

Category Archives: Thuốc điều trị HIV

Bổ trợ kiến thức về thuốc điều trị HIV/AIDS giúp người bị nhiễm HIV và người chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có cái nhìn đầy đủ về cách sử dụng thuốc.

Sẽ có thuốc trị HIV dành cho trẻ em?

(Dân trí) – Raltegravir, một thuốc kháng retrovirus làm trì hoãn sự lây lan của virus HIV hứa hẹn trở thành một phương pháp mới điều trị HIV cho trẻ em và trẻ vị thành niên.

 Thuốc Raltegravir

Thuốc này được FDA phê chuẩn vào ngày 21/12/2011 sử dụng kết hợp với các thuốc kháng retrovirus khác để điều trị cho trẻ từ 2 – 18 tuổi. Raltegravir thuộc nhóm chất ức chế integrase HIV và được FDA phê chuẩn sử dụng ở người lớn năm 2007.

Trong một thử nghiệm trên người, trung tâm xem xét độ an toàn và hiệu lực của raltegravir ở trẻ em và trẻ vị thành niên nhiễm HIV, các nhà nghiên cứu Trường Y ĐH Stony Brook (Mỹ) đã tập hợp 95 bệnh nhân độ tuổi từ 2-18 được điều trị bằng phác đồ thuốc HIV khác trước khi dùng raltegravir. 53% số đối tượng tham gia có lượng vi-rút HIV không phát hiện được trong máu sau 24 tuần điều trị bằng raltegravir.

TS. Nachman giải thích rằng Raltegravir là một lựa chọn mới quan trọng cho trẻ em bị nhiễm HIV. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả của thuốc ở trẻ em nhiễm HIV thất bại với các phác đồ thuốc khác và thuốc cũng có tác dụng chống virus.

Đối với trẻ nhỏ, raltegravir được dùng dưới dạng nhai trong khi trẻ lớn tuổi hơn dùng raltegravir dạng viên 2 lần/ngày.

Theo FDA, tác dụng phụ hay gặp nhất do sử dụng raltegravir bao gồm đau đầu và mất ngủ. Tần suất tác dụng phụ là tương tự nhau ở trẻ em và người lớn.

TS. Nachman cho biết việc đánh giá sử dụng raltegravir để điều trị cho trẻ em và trẻ vị thành niên bị nhiễm HIV vẫn sẽ được tiếp tục và mỗi đối tượng tham gia sẽ được theo dõi trong 5 năm. Trong thời gian theo dõi, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả cũng như các biến chứng lâu dài của raltegravir ở các đối tượng nghiên cứu.

Anh Khôi

Theo Medicalnewstoday

 

Nhãn:

Trà xanh có thể ngăn ngừa HIV

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, các nhà khoa học cho biết đã tìm thấy trong trà xanh một chất hóa học có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm virut HIV qua đường tình dục.

Cũng theo nghiên cứu này, chỉ uống trà xanh không thôi thì không đủ mà nên dùng phối hợp với các loại thuốc đặc trị khác để tăng cường khả năng chống lây nhiễm HIV một cách tốt nhất.

Các chuyên gia y tế của trường Đại học Heidelberg (Đức) cho hay, chất hóa học này sẽ là một giải pháp ít tốn kém giúp ngăn ngừa HIV bên cạnh các giải pháp đắt tiền khác.
Họ cũng đã xác định được chất polyphenol trong trà xanh hay chất tannin ở rau xanh, được gọi chung là hoạt chất epigallocatechin-3-gallate (viết tắt là EGCG), có khả năng làm ức chế SEVI, một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc lây nhiễm HIV.

Cụ thể, hoạt chất EGCG sẽ ngăn vi rút HIV không bám vào các tế bào hệ miễn dịch của người (virus HIV thường âm thầm chui vào các tế bào này và tiêu diệt chúng).

Với 33 triệu người nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục trên thế giới và 96% những trường hợp nhiễm mới ở các nước đang và chưa phát triển, các nhà nghiên cứu cho biết việc bổ sung tinh chất EGCG ở trà xanh vào trong những hộp kem đặc trị sẽ “đem đến một phương pháp ngăn ngừa HIV đơn giản mà ít tốn kém”.

Trà xanh vốn bắt nguồn từ Trung Quốc và được người dân Châu Á, Trung Đông và ngày càng nhiều các nước phương Tây sử dụng rộng rãi. Trà xanh nổi tiếng vì khả năng chống lão hóa.

Theo Afamily / Health
 

Thuốc ARV

/

Ở một số bài trước trong điều trị phơi nhiễm HIV hay điều trị HIV có đề cập đến thuốc ARV. Ở đó mình có viết lên một số lưu ý rằng: “Sử dụng thuốc theo hướng dẫn bác sỹ, tránh tự điều trị để gây hại hơn”. Và đây mình sẽ cung cấp thêm chút thông tin hơn về thuốc ARV:

Khi nào dùng thuốc ARV:

Chỉ dùng cho bệnh nhân “Có chỉ định” vì không phải tất cả mọi người có HIV đều có chỉ định điều trị bằng ARV. Chỉ định điều trị phải dựa vào giai đoạn lâm sàng hoặc số tế bào lympho, CD4 hoặc đề điều trị dự phòng phơi nhiễm, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc:

Buồn nôn: hay gặp khi dùng các thuốc: zidovudin (ZDV), stavudin (d4T); didanosin (ddI); abacavir (ABC); tenofovir (TDF); indinavir (IDV); saquinavir (SQV); lopinavir (LPV); ritonavir (RTV). Để hạn chế tác dụng phụ này, có thể cho uống thuốc trong bữa ăn. Tuy nhiên, IDV và ddI không nên dùng trong bữa ăn vì ảnh hưởng tới hấp thu và chuyển hóa thuốc.
Tiêu chảy: thường gặp khi dùng các thuốc: TDF, SQV, LPV, RTV. Khi bị tiêu chảy cần bù nước điện giải đầy đủ bằng đường uống (oresol) hoặc đường truyền nếu nặng. Có thể phải dùng các thuốc chống tiêu chảy để hạn chế tiêu chảy tạm thời.
Đau đầu: có thể gặp khi trong phác đồ điều trị có các loại thuốc như: ZDV, lamivudin (3TC), IDV, SQV, LPV. Có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol để giảm bớt đau đầu cho người bệnh.
Đau bụng, khó chịu ở bụng: thường gặp khi dùng các loại thuốc sau: ddI, ABC, SQV cần theo dõi kỹ, nếu đau liên tục cần tới cơ sở y tế nơi cấp thuốc để được hướng dẫn thêm, thậm chí phải thay thế thuốc khác hoặc đổi phác đồ.
Nổi ban đỏ, ngứa: các loại thuốc như ddI, 3TC, ABC, EFV, NVP, LPV có thể gây dị ứng. Nhẹ thì có biểu hiện ban đỏ rải rác, ngứa… hết khi điều trị bằng kháng histamin; nhưng cũng có thể bị dị ứng nặng như hội chứng Stevens Johnson, Lyell có thể đe dọa tính mạng (có thể gặp khi dùng các thuốc: EFV, NVP). Khi bị dị ứng thuốc nặng cần ngừng thuốc ngay và điều trị tích cực tại các trung tâm y tế có đủ điều kiện.
Rối loạn giấc ngủ, ác mộng: hay gặp biểu hiện này khi dùng các thuốc sau: EFV, 3TC. Nên dùng vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Các triệu chứng này thường không kéo dài. Có thể dùng các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ để ngủ tốt hơn.
Một số độc tính và tác dụng phụ khác:
Bệnh lý thần kinh ngoại vi: biểu hiện rối loạn cảm giác ngoại vi, chủ yếu đầu chi, đi lại khó khăn. Thường gặp khi dùng d4T, ddI, các thuốc kháng retrovirus non-nucleosid. Cần dùng vitamin B liều cao, nếu nặng phải thay thế thuốc.
Viêm tụy: gặp khi dùng ddI, d4T. Cần dừng ngay thuốc và thay bằng ZDV.
Phân bố lại mỡ: khi dùng ddI, thuốc ức chế protease. Biểu hiện tăng tích tụ mỡ ở ngực, bụng, lưng, gáy; teo mô mỡ ở cánh tay, cẳng chân, mông, má.
Độc cho gan: NPV, EFV, ZDV và thuốc ức chế protease rất độc với gan, gây hủy hoại tế bào gan, tăng men gan. Cần ngừng thuốc nếu có tăng men gan gấp 5 lần bình thường.
Độc với thần kinh trung ương: EFV biểu hiện lẫn lộn, rối loạn tâm thần, trầm cảm. Cần dừng và thay thế thuốc khi bệnh nhân có vấn đề về tâm thần kinh.


Ngây Ngô

Theo hiv.com.vn

 

 

Nhãn:

Đề phòng nguy cơ kháng thuốc ARV

Hiện nay,  một số người nhiễm HIV/AIDS đã tự mua thuốc ARV để tự điều trị. Một số người đang được điều trị ngoại trú lại tự ý chia sẻ thuốc cho người khác. Những việc làm này rất nguy hiểm vì nó làm cho tình trạng kháng thuốc ARV xuất hiện, không những cho bản thân họ mà còn cho những người được họ chia thuốc.

Ths Đỗ Thị Nhàn, Phó Trưởng phòng Điều trị, Cục phòng, chống HIV/AIDS, kể về một trường hợp tự ý chia sẻ thuốc:

“ Có hai vợ chồng đều  là bệnh nhân của phòng một khám ngoại trú. Vợ anh đã bị lây truyền HIV từ anh. Cả hai vợ chồng anh đều đến phòng khám rất đúng lịch hẹn.

Cách đây hơn một năm, các bác sĩ đã khám và kết luận anh cần được điều trị thuốc ARV. Tại thời điểm đó, vợ anh vẫn rất khỏe mạnh và chưa cần điều trị. Trước khi điều trị, anh đã được tham gia 3 khóa tập huấn. Anh đã hiểu HIV là gì và đến bây giờ vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này.

Hiện nay chỉ có thuốc ức chế sự nhân lên của HIV và loại thuốc này sẽ giúp cho cơ thể anh khỏe mạnh hơn, để anh có thể tiếp tục đi làm, để sống và để chăm sóc những đứa con yêu quý của mình. Đó chính là thuốc ARV. Nhưng khi bắt đầu dùng thuốc ARV là anh phải dùng suốt đời và cần uống thuốc đúng như sự hướng dẫn bác sĩ điều trị.

Tại các khóa tập huấn, anh đã hiểu tuân thủ điều trị là như thế nào. Nghĩa là mỗi ngày anh phải uống thuốc 2 lần vào những giờ nhất định. Anh không được phép quên uống thuốc quá 3 lần trong một tháng. Anh cần có người nhắc anh uống thuốc đúng giờ và đầy đủ. Người ấy chính là vợ anh. Sau một thời gian uống thuốc, tình trạng sức khỏe của anh khá lên trông thấy. Anh tăng cân và đã có thể làm được những công việc nặng trong nhà, những công việc mà trước đây đều do vợ anh đảm nhiệm. Cả hai vợ chồng đều rất vui vì điều đó.

Nhưng gần đây sức khỏe của vợ anh bắt đầu giảm sút và xuất hiện những cơn ho khan. Anh nghĩ rằng bây giờ sức khỏe của anh đã tốt lên nhiều nên có thể chỉ cần uống thuốc một lần trong ngày. Số thuốc của lần thứ 2, anh đã đưa cho chị uống. Họ đã uống như vậy được gần 2 tháng rồi. Nhưng trái với điều mong đợi của hai vợ chồng. Sức khỏe của vợ anh không tốt lên còn anh thì lại gầy sút đi và xuất hiện những nốt sẩn trên da. Hôm nay cả hai vợ chồng đã đến phòng khám ngoại trú. Bác sĩ khám cho biết, anh đã mắc một bệnh nhiễm trùng cơ hội mới.

Bây giờ thì anh hiểu rằng không thể chia sẻ thuốc cho người khác vì điều đó không những không tốt cho anh mà còn gây nguy hiểm cho vợ mình. Việc uống thuốc không đủ liều và không đúng như hướng dẫn của bác sĩ có thể sẽ làm cho HIV kháng lại thuốc ARV này. Và cả hai vợ chồng anh đều có nguy cơ bị kháng thuốc. Khi bị kháng thuốc thì phải chuyển sang từ phác đồ bậc 1 sang bậc 2.

Trong vài năm gần đây, do nhiều nỗ lực, giá của các loại thuốc ARV đã giảm xuống, tạo điều kiện cho nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận với việc điều trị này. Tuy nhiên, phác đồ bậc 2 bao giờ cũng đắt hơn nhiều lần so với phác đồ bậc 1. Hiện nay, các thuốc điều trị phác đồ bậc có giá từ trên 3 triệu đến trên 5 triệu đồng/năm tùy loại (trong cùng một phác đồ cũng có nhiều loại thuốc) thì thuốc phác đồ bậc 2 có giá khoảng 45 triệu đến 54 triệu đồng/năm – một chi phí quá lớn đối với bất kỳ người lao động nào.

Do đó, nếu bạn là người nhiễm HIV, bạn không được tự ý mua thuốc để tự điều trị. Bạn hãy đến các phòng khám ngoại trú, các cơ sở y tế chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS để được tư vấn về điều trị bằng thuốc ARV. Và khi bạn bắt đầu điều trị, bạn phải luôn luôn nhớ rằng: “Phải tuân thủ điều trị để đảm bảo cho việc điều trị đạt kết quả tốt và phòng tránh nguy cơ kháng thuốc” – Ths Đỗ Thị Nhàn nhấn mạnh.

 

Nhãn: , , , ,

“Vũ khí” mới để ức chế HIV

Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm một loại peptide mới có tác dụng rất mạnh trong việc ngăn chặn HIV xâm nhập tế bào. Loại peptide này sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên con người trong vòng 2 năm nữa, mở ra cơ hội phát triển thuốc mới để chống HIV/AIDS
Sau khi sàng lọc cả một “thư viện” chứa hàng trăm triệu peptide, tức các chuỗi acid amin, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Utah đã phát hiện được loại peptide hiếm hoi, được gọi là D-peptide, có khả năng kết dính vào một cấu trúc được gọi là “pocket”, có ở tất cả các dòng HIV.

Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm một loại peptide mới có tác dụng rất mạnh trong việc ngăn chặn HIV xâm nhập tế bào

Cấu trúc này đã được các nghiên cứu trước đây xác định là thành phần quan trọng giúp HIV xâm nhập vào tế bào. Khi kết chặt vào “pocket” của HIV, D- peptide sẽ gây ức chế để ngăn chặn khả năng đó của vi-rút.

Nhà hoá sinh học Michael S. Kay, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Tất cả các dòng HIV đều có pocket giống nhau, do đó, khi cấu trúc này bị thay đổi, HIV sẽ mất khả năng xâm nhập tế bào”.

Theo nhóm nghiên cứu, D-peptide là chất gây ức chế, có khả năng chống vi khuẩn mạnh gấp 40.000 lần so với những loại peptide đã được sử dụng trước đây.

Peptide là các hợp chất có thể tồn tại ở 2 dạng: tự nhiên và nhân tạo, chẳng hạn như các nội tiết tố và thuốc kháng sinh.

Theo ông Kay, “không như các peptide tự nhiên dễ bị cơ thể hấp thụ, D-peptide có tính bền vững cao hơn, nhờ đó nó có thể tồn tại và phát huy tác dụng trong cơ thể lâu hơn”.

Theo ông: “D-peptide mạnh hơn rất nhiều so với các peptide tự nhiên và có thể được đưa vào cơ thể bằng đường miệng. Thuốc được bào chế từ peptide nhân tạo thường kém hiệu quả vì nó phải được tiêm và dễ bị thoái hoá bởi tác động của cơ thể”.

Trước khi được sử dụng để phát triển một loại thuốc mới chống HIV/AIDS, D-peptide đang được thử nghiệm tiền lâm sàng để xác định mức độ công hiệu cũng như để biết chúng có độc tính gì hay không.

Ông Kay nói: “Thuốc gây ức chế này có thể được thử nghiệm lâm sàng trên con người trong vòng 2 năm nữa. Vấn đề còn lại hiện nay là tính an toàn của một loại thuốc như thế”.

Theo ông, nhóm nghiên cứu đang cố gắng trả lời các câu hỏi: “Thuốc đó có độc không? Có yếu tố nào đó trong cơ thể can thiệp vào hoạt động của thuốc hay không?”.

Khi được chứng minh về công hiệu và tính an toàn, D-peptide có thể chế ngự HIV ở những người đã nhiễm vi-rút này và ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV sang người khoẻ mạnh”.

Ngoài ra, những chất gây ức chế này còn có thể được sử dụng như chất khử vi trùng để dùng trong quá trình giao hợp nhằm ngăn chặn lây nhiễm HIV. Một loại thuốc như thế sẽ rẻ tiền và có khả năng cứu sống nhiều người, nhất là ở các nước đang phát triển”.

Nghiên cứu này được sự tài trợ của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu của trường Đại học Utah.

 

Nhãn: , ,