RSS

Tag Archives: hiv

Teen thủ dâm sợ nhiễm HIV

Sau khi thủ dâm em thấy ít tinh trùng dính trên ngón tay. Em đã rửa sạch tay nhưng vài phút sau lại dùng tay đó dụi mắt. Gần đây em cảm thấy sức khỏe suy giảm, ngứa khắp người. Có phải em bị HIV rồi không? (Toàn).

Năm nay em 18 tuổi, bị bệnh thủ dâm. Em đang rất lo lắng khi cảm thấy sức khỏe suy giảm, sụt cân và hay sốt nhẹ, ngứa ở tay chân, đùi và đầu gối. Cho em hỏi có phải đó là triệu chứng của HIV không? (Trung Toàn).

thudam-jpg-1363071973_500x0.jpg
Ảnh minh họa: hoancau.

Trả lời:

Tôi xin xác minh lại đôi chút về khái niệm “thủ dâm”. Đó là hành vi kích thích vào cơ quan sinh dục, thường là những điểm cực khoái nhằm đạt được sự thỏa mãn tình dục. Thủ dâm có thể bằng tay hay kết hợp với các dụng cụ hỗ trợ. Thủ dâm cũng có thể do tự thực hiện hay bởi người khác thực hiện (thủ dâm lẫn nhau).
Xét trong sự đa dạng về mặt tình dục, thủ dâm là khá phổ biến và có những giá trị tích cực nhất định nếu sử dụng đúng cách như giải tỏa ham muốn, tránh các hành vi “quá đà”. Thêm vào đó, thủ dâm còn được xem là một biện pháp tình dục an toàn với các giá trị tích cực như ngừa thai và dự phòng các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Như vậy, về bản chất, thủ dâm không sai, không nên bị quy kết là bệnh.
Tuy nhiên, lạm dụng hành vi này sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên sức khỏe, tâm lý hay thậm chí ảnh hưởng đến chuyện chăn gối sau này. Cũng như phim sex, ma túy, thủ dâm có thể gây nghiện.
Như đã đề cập, thủ dâm được xem là hành vi tình dục an toàn. Còn HIV là bệnh lây, cần có nguồn lây nhiễm là người nhiễm. Nếu tự thủ dâm, bạn hoàn toàn yên tâm là không ai có thể lây bệnh này cho bạn. Trường hợp thủ dâm lẫn nhau, khả năng lây của hành vi này rất thấp. Đúng là HIV có thể lây nếu dây nhiễm vào niêm mạc mắt, nhưng theo mô tả của bạn, nguy cơ này càng giảm đi sau khi bạn rửa tay kỹ.
Nói tóm lại, tình huống của bạn không được kể là “phơi nhiễm có ý nghĩa” nên khả năng nhiễm HIV rất ít, bạn không nên quá lo lắng.
Với các triệu chứng bạn mô tả, theo tôi, bạn nên đi khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Bạn cũng có thể làm xét nghiệm HIV nếu vẫn còn hoang mang.
Thân ái!
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới
 

Nhãn:

Chuyện bao cao su: Nhà nghỉ “nóng” hơn khách sạn

Thực tế cho thấy các nhà nghỉ mới là nơi số lượng và tần suất các hành vi tình dục diễn ra nhiều vì nhà nghỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu “nghỉ mà không nghỉ”.

Báo Tuổi Trẻ ngày 5/3 đưa tin “Đặt bao cao su trong phòng ngủ của tất cả khách sạn”, và cho biết đây là một trong những trọng tâm năm 2013 của công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS tại TP.HCM. Đây là việc làm cần thiết, nhưng theo chúng tôi vẫn chưa đủ.

 Chuyện BCS: Nhà nghỉ "nóng" hơn khách sạn

Nên mở rộng tính sẵn có của bao cao su đến tất cả các nhà nghỉ (Ảnh minh họa)

Còn nhớ mấy năm trước đi dự hội nghị khoa học được tổ chức tại khu nghỉ mát. Khi thấy khăn tắm của khách sạn có thêu biểu tượng bao cao su OK với dòng chữ “Yêu để sống – Sống để yêu” màu đỏ nổi bật trên nền khăn bông trắng, tôi nói với các đồng nghiệp rằng: “Đây là một cách truyền thông tốt, chuyển tải thông điệp bảo vệ sức khỏe tình dục”. Tiếc rằng khách sạn đó chỉ “nói” tốt nhưng lại không “làm” tốt. Bởi vì, trong phòng ngủ khách sạn này không sẵn có bao cao su. Nếu du khách đến đây, ngẫu hứng yêu đương thì không có biện pháp an toàn phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Việc TP.HCM chủ trương năm 2013 “đặt bao cao su trong phòng ngủ của tất cả khách sạn” là một việc làm hay. Nhờ tính sẵn có của bao cao su mà những người đến khách sạn nếu có nhu cầu tình dục thì đã có sẵn phương tiện phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng nếu chỉ dừng ở việc “tất cả khách sạn” ở TP.HCM có sẵn bao cao su trong phòng ngủ, thì chưa đủ để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Theo chúng tôi, nên mở rộng tính sẵn có của bao cao su đến tất cả các nhà nghỉ trên địa bàn TP.HCM.

Thực tế cho thấy các nhà nghỉ mới là nơi số lượng và tần suất các hành vi tình dục diễn ra nhiều vì nhà nghỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu “nghỉ mà không nghỉ” của các đôi lứa yêu nhau và cũng là nơi có hành vi tình dục không lành mạnh (mua bán tình dục). Nhìn từ phương diện xã hội học, mức độ rủi ro của khách hàng ở nhà nghỉ thường cao hơn so với khách hàng của các khách sạn.

Các khách sạn, nhất là khách sạn 3 đến 5 sao, khách hàng thường thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, họ đi công tác, du lịch với vợ hoặc người yêu, nếu có đi một mình thì cũng ít có thể thực hiện hành vi tình dục không lành mạnh (ngoại trừ các khách sạn có cung ứng dịch vụ tình dục). Với các nhà nghỉ thì ngược lại, là nơi hẹn hò, trao đổi tình dục, nhiều nhà nghỉ chức năng môi giới tình dục lại là chính để thu hút khách và tăng thu nhập.

Vì vậy, nên chăng cần “đặt bao cao su trong phòng ngủ của tất cả các nhà nghỉ và khách sạn” thay vì chỉ “đặt bao cao su trong phòng ngủ của khách sạn” như chủ trương của lãnh đạo TP.HCM?

Thêm nữa, để tính sẵn có của bao cao su trong phòng ngủ của các nhà nghỉ, khách sạn phát huy hiệu quả, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông ngoài xã hội và trong từng khách sạn, nhà nghỉ để người dân, du khách biết và thực hiện. Đồng thời, sau một thời gian triển khai thực hiện nên có sơ kết rút kinh nghiệm, khen thưởng những khách sạn, nhà nghỉ làm tốt công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS tại TP.HCM.

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh

(Theo Tuổi trẻ)
 

Nhãn: ,

Mỹ: Chữa thành công trẻ sơ sinh nhiễm HIV

Một em bé sinh ra đã mang virus HIV ở bang Mississippi có vẻ đã được chữa khỏi, các nhà khoa học vừa cho biết hôm 3/3. Em bé đến nay đã ngừng uống thuốc và không còn dấu virus còn tồn tại trong cơ thể.

Mỹ: Chữa thành công trẻ sơ sinh nhiễm HIV

TS. Deborah Persaud tại Đh Johns Hopkins là thành viên nhóm điều trị cho bé sơ sinh mang HIV

Cho tới nay các bác sĩ chưa thể đảm bảo em bé sẽ hoàn toàn khỏe mạnh, dù nhiều thí nghiệm cho thấy chỉ còn rất ít dấu hiệu của virus. Nếu hoàn toàn thành công, đây là sẽ là trường hợp thứ hai trên thế giới thoát khỏi virus gây nên căn bệnh thế kỷ.

Tại cuộc họp lớn ở Atlanta hôm 3/3, các chuyên gia đưa ra một vài manh mối hứa hẹn chữa trị cho trẻ em bị nhiễm HIV từ lúc vừa sinh ra, đặc biệt ở các nước châu Phi, nơi đang có rất nhiều em bé sinh ra phải mang theo virus từ mẹ.

“Có thể gọi đây là bước tiến gần hơn bao giờ hết đến giai đoạn chữa trị thành công”, TS. Anthony Fauci ở Viện sức khỏe quốc gia, người hiểu tường tận về nghiên cứu trên, phát biểu.

Sau khi được xác nhận HIV từ khi vừa sinh ra, em bé nói trên được điều trị bằng phương pháp nhanh hơn, mạnh hơn thông thường, được truyền kết hợp 3 loại thuốc trong vòng 30 giờ đồng hồ sau khi sinh.

Người mẹ không biết mình mang HIV cho tới khi sắp sinh nở. “Điều đó nghĩa là em bé này có nguy cơ lớn hơn bình thường và cần được điều trị tốt nhất,” TS. Hannah Gay, chuyên gia về HIV ở ĐH Mississippi, nói.

Quá trình điều trị nhanh chóng rõ ràng đã đẩy lùi HIV ra khỏi máu của em bé trước khi virus có thể hình thành nơi ẩn nấp trong cơ thể. Cái gọi là tổ tế bào ngủ có thể tấn công cơ thể người bệnh rất nhanh nếu ngừng uống thuốc, TS. Deborah Persaud ở Trung tâm nhi thuộc ĐH Johns Hopkins, nói.

TS. Persaud cho biết em bé đã được chữa trị thành công về mặt chức năng, nghĩa là có khả năng thuyên giảm lâu dài ngay cả khi mọi dấu vết của virus HIV chưa biến mất hoàn toàn.

Bước tiếp theo, nhóm của TS. Persaud dự định sẽ thực hiện nghiên cứu để chứng minh phương pháp điều trị tích cực hơn đối với nhóm trẻ mang nguy cơ cao này. “Có lẽ chúng tôi sẽ đạt tới giai đoạn ngăn chặn hoàn toàn tổ tế bào ngủ”, TS. Persaud nói.

TS. Fauci nhấn mạnh không ai được ngừng uống thuốc chống AIDS sau khi thấy trường hợp này thành công.

Nhưng điều đó “mở ra nhiều cửa” để nghiên cứu xem những trẻ em khác có khả năng điều trị được hay không.

Nghiên cứu trên cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ cao tốt nhất là phải được điều trị ngay từ lúc mới sinh ra.

Năm 2011, khoảng 300.000 trẻ em sinh ra đã nhiễm HIV, hầu hết ở các nước nghèo, nơi chỉ khoảng 60% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị để tránh truyền virus sang bào thai. Tại Mỹ, những trường hợp như vậy rất ít xảy ra vì phụ nữ mang thai thường xuyên được xét nghiệm và điều trị trong quá trình mang thai.

Trước đây, trường hợp duy nhất được coi là thoát khỏi virus gây bệnh AIDS hoàn toàn là người được thay tủy hiến tặng. Người hiến tặng là một trong những người rất hiếm có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với HIV. Anh Timothy Ray Brown ở San Francisco đến nay đã không cần điều trị gì thêm sau 5 năm được cấy ghép.

Trúc Quỳnh (theo AP) (Khampha.vn)
 

Nhãn:

Hoa hậu HIV Việt Nam đầu tiên, giờ ra sao?

Mang trong mình căn bệnh HIV gần chục năm, Trần Thị Huệ vẫn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống và lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ.

Huệ sinh năm 1983, quê xã Chính Kỳ, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Cô đoạt giải cao nhất cuộc thi Hoa hậu “Dấu cộng duyên dáng” 2010 dành cho những người phụ nữ bị nhiễm HIV.

Chồng và con trai nhỏ đều nhiễm HIV

Là con thứ 3 trong một gia đình nhà nông, cái nghèo buộc chị phải nghỉ học từ lớp 9, lên Hà Nội mưu sinh với gánh hàng rong. Ở đây, chị đã gặp được anh, người con trai cùng xã Chính Kỳ làm nghề xe ôm, hơn chị 10 tuổi.

Trần Thị Huệ ngày đăng quang Hoa hậu Dấu cộng duyên dáng 2010

Năm 2001, họ kết hôn, rồi Huệ sinh con trai đầu lòng. Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi, khi con trai chị được 2 tuổi, sau một trận ốm cháu bị câm điếc, từ đấy chưa kịp gọi một tiếng “mẹ” yêu thương. Vượt qua nỗi khổ đau thất vọng, chị cùng chồng cần mẫn làm lụng để trang trải cuộc sống. Nhưng rồi số phận lại một lần nữa trêu ngươi Huệ.

Năm 2005, vợ chồng chị sinh tiếp đứa thứ hai, khi cháu được 13 tháng tuổi thì chồng đổ bệnh. Mồng 8 Tết năm 2006, hai vợ chồng tất tưởi lên BV Bạch Mai (Hà Nội) làm thủ tục xét nghiệm, kết quả dương tính. Đứa con thứ hai còn ẵm ngửa của anh chị cũng có HIV.

Huệ nhớ lại nói: “Lúc đó, em đứng đờ ra như người mất trí, không tin vào sự thật. Khi biết mình cũng bị nhiễm, em sợ bố mẹ sẽ không thể chịu đựng được nên đã giấu kín. Chị gái em cũng bị nhiễm H từ chồng nên bố mẹ em đã rất buồn”.

Mãi tới khi Huệ bị ốm phải vào viện, bố mới biết. Một thời gian dài, cả gia đình chị chìm trong nỗi buồn. “Bố là người cũng rất hay khóc, nhưng khi nhìn thấy mình ốm, bố chỉ nói “mọi gánh nặng bố mẹ đều có thể gánh cho con nhưng bệnh mang trong mình con, bố mẹ muốn gánh cũng không được.

Tháng 10/2007, Huệ đưa cả chồng và con thứ hai vào miền Nam, thuê một phòng trọ ở Thủ Đức, ngày ngày đi khắp các con phố Sài Gòn để bán bong bóng. Thu nhập từ bán bong bóng may mắn thì có ngày chị được 100.000 đồng nhưng chi phí tiền nhà, ăn ở, tiền thuốc của vợ chồng… khiến Huệ nhiều khi kiệt sức. Riêng tiền thuốc của anh mỗi tháng đã 1- 2 triệu đồng. Nhiều khi bị cảm sốt, cầm tiền đi mua thuốc cho chồng mà Huệ không dám mua một viên thuốc cảm cho mình.

Huệ kể: “Thời gian đầu uống thuốc ARV, cơ thể mình đau ê ẩm, ngồi không ngồi được, nằm không nằm được, nhưng hàng ngày vẫn phải đi bán bong bóng. Có khi sốt nóng sốt rét, đi bán xa hàng chục cây số chưa bán được đồng nào nên không dám về nhà”.

Ở trong Nam được gần nửa năm, Huệ cùng chồng con quay ra Hà Nam. Cuộc đời của chị tiếp tục những chuỗi ngày bất hạnh cho đến năm 2008, người chồng ra đi mãi mãi.

Tình yêu chắp cánh

Tháng 7/2009, tại một khóa học về kỹ năng thuyết trình cho tuyên truyền viên đồng đẳng về nhiễm HIV ở Hà Nội, chị gặp anh Nguyễn Hồng Nghĩa. Từ đó, hai người sau đấy thường xuyên liên lạc qua điện thoại. Họ an ủi nhau bởi những câu chuyện đời cùng cảnh ngộ.

Với Huệ, hạnh phúc là đứa con nhỏ cô đang ôm trong tay và chồng khỏe mạnh, không bị căn bệnh HIV “hành”.

Anh Nghĩa, nhiều năm chán chường khi phát hiện mình nhiễm HIV, lần đầu tiên cảm thấy cuộc sống mình khác đi vì tình yêu với chị.

“Mẹ rất xúc động khi biết con trai mình hình như đã có tình yêu”, chị Huệ nhớ lại. Nỗi nhớ nhung quá lớn, anh Nghĩa xin mẹ vào Sài Gòn và cũng mong được gần người con gái đã làm cuộc sống của mình có ý nghĩa. Mẹ anh không do dự khi tin vào hành trình đi tìm tình yêu của con.

Giữa Sài Gòn, Huệ hướng dẫn anh đi bán bong bóng trên khắp những nẻo đường. Anh Nghĩa trước vốn được nuông chiều, lần đầu tiên bươn bả suốt ngày trên những con đường đầy khói bụi, kiếm từng đồng tiền lẻ khiến anh càng khâm phục Huệ hơn. Họ quyết định về sống trong một gia đình vào tháng 1/2010.

Hiện tại, Nghĩa làm lái xe, còn Huệ làm tuyên truyền viên có lương của Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Hà Nội. Để trang trải cuộc sống, chị đi làm thêm cho một quán cơm văn phòng. Hai vợ chồng chỉ có chung một chiếc xe nên mỗi sáng đưa con đi học ở trường câm điếc Xã Đàn, đưa chồng đến chỗ làm, chị mới đến quán cơm làm đến 2 – 3 giờ chiều.

Chiều về chị đi tiếp cận tuyên truyền đồng đẳng đến 10h tối. Thời gian này, công việc quá nhiều, sức khỏe lại yếu nên chị nghỉ làm ở quán cơm.

Hiện nay, hạnh phúc với Huệ là “Cháu bé đang sống chung với HIV nhưng rất may, sức khỏe của cháu rất tốt. Anh Nghĩa và em vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì là của người mắc bệnh cả”, cô nói.

Theo Đất Việt

 

Nhãn:

FDA phê chuẩn thuốc điều trị HIV 4 trong 1 mới

(Dân trí) – Đầu tuần này, Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ đã cho phép thuốc Stribild, một loại thuốc kết hợp 4 loại dược phẩm điều trị HIV, được sử dụng rộng rãi.

Thay vì uống 4 loại thuốc cùng lúc, giờ bệnh nhân HIV chỉ cần uống 1 loại

FDA cũng nói rõ sự kết hợp của các thuốc điều trị HIV sẽ giúp quá trình điều trị của bệnh nhân được đơn giản hoá. Bởi trước đây, những người có HIV luôn phải được điều trị với nhiều hơn một loại thuốc và cho đến những năm gần đây, bệnh nhân cần phải uống rất nhiều thuốc mỗi ngày.

Stribild chứa 2 loại thuốc mới và 2 hợp chất đã được phê duyệt trước đó. Trước đây, nó có tên là viên Quad, có nghĩa là điều trị cho những người nhiễm vi-rút gây suy giảm miễn dịch, những người mà chưa từng điều trị 1 loại thuốc trị HIV nào.

FDA cho biết Stribild cung cấp một phác đồ điều trị hoàn chỉnh cho những người có HIV chỉ trong 1 viên thuốc. Nó kết hợp giữa thuốc Truvada của hãng Gilead, có chứa thành phần emtricitabine và tenofovir cùng với 2 hợp chất mới là elvitegravir (cản trở một trong những enzyme mà vi-rút HIV cần có để phát triển) và cobicistat (giúp kéo dài tác dụng của Elvitegravir).

Trước Stribild cũng đã có loại thuốc kết hợp 3 trong 1, viên Atripla (kết hợp của Truvada với  Bristol-Myers).

Một trong hai nghiên cứu của FDA đã so sánh giữa Stribild và Atripla như một liệu pháp ban đầu trị lây nhiễm HIV. Nghiên cứu được thực hiện trên 700 bệnh nhân, đáp ứng cả 2 loại thuốc có tác dụng diệt vi-rút. Kết quả cho thấy 88% người dùng Quad đã ức chế vi-rút sau 48 tuần điều trị, so với 84% người sử dụng Atripla.

700 bệnh nhân khác tham gia vào nghiên cứu so sánh giữa việc uống Stribild với Truvada cho thấy: Quad giúp giảm lượng vi-rút ở 90% bệnh nhân sau khi dùng thuốc 48 tuần so với 87% bệnh nhân điều trị với các thuốc khác.

Giống như nhãn của nhiều loại thuốc khác được sử dụng để điều trị HIV, Stribild cũng có cảnh báo đối với những người dư thừa a-xít lactic trong máu, có các vấn đề gan và đặc biệt không được dùng cho người nhiễm vi-rút viêm gan B.

Các tác dụng phụ thường thấy của thuốc là buồn nôn và tiêu chảy; nghiêm trọng hơn là các vấn đề ở thận, giảm mật độ xương, phân phối lại chất béo và những thay đổi trong hệ thống miễn dịch (hội chứng phục hồi miễn dịch).

Lời khuyên chung đối với việc điều trị bằng Stribild là phải theo dõi thận, xương của bệnh nhân.

Hiện nhà xuất Stribild, hãng Gilead Sciences, sẽ tiếp tục các nghiên cứu về tính an toàn của thuốc ở phụ nữ và trẻ em và khả năng tương tác với các loại thuốc khác.

Trần Phương

Theo Guardian

 

Nhãn: ,

Bỗng dưng phát hiện người yêu có … “ết”

Yêu nhau gần một năm, một ngày nọ, nàng nữ sinh lớp 10 “hồn xiêu phách lạc” khi phát hiện người mình yêu…dương tính HIV

Cơn “say nắng” chàng “hot boy”

Ở cái tuổi mười sáu mộng mơ, nhìn bạn bè hay các chị lớp trên có bạn trai, bạn Lê Thuý T (hiện đang học lớp 10 một trường THPT tại Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng xao xuyến mỗi khi bắt gặp những ánh nhìn tình cảm của các bạn trai cùng lớp, cùng trường.

Sau mấy tháng được một anh lớp 12 cưa cẩm thường xuyên đưa đón, trái tim Thuý T bắt đầu thổn thức và nhận lời yêu chàng.

Người yêu của Thuý T tên H, tuy chuyện học hành chỉ bình thường nhưng luôn rất nổi ở trường vì là con nhà giàu đi học bằng xe “xịn” Nouvou X, áo quần bảnh bao còn điện thoại loại nào mới ra là đổi ngay.

Nhà Thuý T chẳng khá giả gì nên mỗi lần được bước lên xe “ôm eo” chàng là cảm thấy rất hãnh diện. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, đối với T như thế là hạnh phúc lắm rồi.

Cũng vài lần H rủ Thuý T cũng đi chơi bar nhưng bạn còn giữ ý tứ không dám đi đêm vì còn sợ ba mẹ.

Suốt hơn tám tháng quen nhau, cũng mấy lần, H cũng “đòi hỏi chuyện xác thịt” nhưng T cương quyết cự tuyệt, cả hai chỉ dừng lại ở những nụ hôn không kém phần say đắm…

Chuyện của hai đứa trôi qua êm đềm như thế cho đến một hôm, Thuý T vô cùng hoảng sợ khi nghe một người bạn thân của H vô tình tiết lộ “chàng hotboy” của mình trong lần bệnh đến bệnh viện chữa trị, xét nghiệm máu mới đây đã phát hiện bị dương tính HIV !

 

Trong cái rủi có cái may

Nghe tin kinh khủng đó, Thuý H choáng váng suýt ngất đi. Cô nàng ngay lập tức gọi điện thoại cho người yêu để hỏi lại thì chàng cũng thừa nhận mình đã có “ết”!

H thú nhận từ ngày ra khỏi trường cấp Ba thường hay đàn đúm với đám bạn con nhà giàu.

Chơi riết cũng chán, cả nhóm bắt đầu tập tành đi đêm,  đi “lắc”, sau này “lên đô” cả bọn còn rủ nhau hút chích nên có lẽ dính HIV từ đây.

H cũng thú nhận tại “thương T nên không nỡ “ra tay nếu không…”…”. Lời nói thật của H khiến T vô cùng bàng hoàng nhớ lại cũng rất nhiều lần, trong không gian riêng tư đầy lãn mạn, suýt nữa bạn đã buông xuôi trước những lời ngọt ngào và tình cảm của của người yêu.

Vẫn biết là hai đứa “chưa làm gì để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” nhưng suốt hai tháng sau đó Thuý H vô cùng âu lo vì từng nhiều lần hai đứa trao nhau những nụ hôn thắm thiết thì không biết có sao không (?).

Học hành sa sút, không dám thổ lộ cùng ai. Cuối cùng cô bạn tội nghiệp cũng tâm sự với một người bạn thân và được “quân sư” khuyên nên đi xét nghiệm HIV để giải toả bớt gánh nặng tâm lí.

Ngày lấy kết quả xét nghiệm âm tính, Thuý H mừng rỡ còn hơn trúng số bạc tỉ, H đã khóc ngon lành trong tay cô bạn thân.

Giờ đây đã dứt khoát chia tay người yêu, chưa bao giờ Thuý H cảm thấy cuộc sống đáng quí và đáng sống như thế.

Kể lại mối tình đầu kinh khủng của mình cho  người viết nghe, Thuý H chỉ muốn chia sẻ cùng tất cả các bạn rằng: “Ở tuổi mới lớn đầy mộng mơ rất dễ say nắng với người khác phái nhưng các bạn phải luôn tỉnh táo chọn lựa thật kĩ trước khi nhận lời yêu để không va vấp những chuyện oan nghiệt đánh mất tương lai…”.

“Hôn nhau với người nhiễm HIV không? Về lý thuyết khả năng lây truyền vẫn có vì khi hôn nhau cả hai có khuynh hướng nuốt nước bọt của nhau và nếu một trong hai nhiễm HIV và người còn lại có những vết trầy xướt răng miệng , chảy máu thì khả năng “dính” HIV rất cao.

Một điều nữa, hôn thế nào cũng được miễn đừng hôn vào những nơi có chất lây (máu, dịch). Theo nghiên cứu, HIV vẫn có trong nước mắt, nước bọt nhưng đến nay chưa từng nghe nói ai bị lây vì dính nước mắt hay nước bọt.”

(Tổng hợp tài liệu Dự án GIPA, Tăng cường sự tham gia của những người sống chung và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS)

Theo Hiếu Nghĩa

Mực Tím

 

Nhãn: ,

Những trang nhật ký cuộc đời

 “Những trang nhật ký cuộc đời” của Thuỳ Trang  một người con gái còn rất trẻ chẵng may bị nhiễm HIV và là người đầu tiên xây dựng nên nhóm Tự lục “Vì Ngày Mai”  đã chia sẻ cùng chúng tôi.
Xin được nói thêm Thuỳ Trang bị lây nhiễm từ chồng và hiện chồng cô đã bỏ đi biệt xứ khi hay tin bản thân mình bị nhiễm HIV.
 Qua những gì ghi lại chúng tôi chỉ thấy cánh cửa  rộng mở tha thiết mời gọi chồng quay về mặc dầu chị là nạn nhân và hoàn cảnh của chị khá bi đát…
Và nay “con tim đã vui trở lại” khi chị được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc đầy hơi ấm tình người….
Xin cảm ơn Thuỳ Trang tác giả của những trang nhật ký đã cho thấy chị nay đã tìm lại nụ cười qua bao đau thương và bất hạnh.
1.Cánh cửa vẫn rộng mở
( Đề tựa 1. và 2.  chúng tôi xin tạm đặt )
ngày… tháng… năm….
Anh ơi ! Sao anh không nghe điện thoại em gọi vậy, em có lổi gì làm anh giận hay sao, ngày em nhập viện cho đến ngày em ra viện, anh hứa với mẹ con em sẽ về thăm, nhưng thời gian đã trôi qua hơn ba tháng, em mòn mỏi chờ đợi, anh vẫn bặc vô âm tín  không một lần điện thoại hỏi thăm, em buồn và nhớ anh nhiều lắm, đứa con trong bụng em ngày một lớn dần và sắp chào đời, anh ở đâu hãy về với mẹ con em …thằng cu nó cứ suốt ngày gọi điện cho ba nhưng không được, anh đã đổi số rồi, em đành phải nói với con là anh rất bận, từ khi nhận được kết quả dương tính, em chết lặng người, rồi chỉ biết khóc thôi, nhưng đấy là số phận em nào giận hờn hay trách gì anh, giờ đây bao nổi cay đắng ập đến em xót xa lòng, đứa con em đang mang trong bụng sắp chào đời, em cần có anh chia sẻ biết bao, gần sinh rồi mà em vẫn chưa có tiền sắm tả, em chạy vạy xin đồ củ về cho con, xoa bụng rồi nước mắt chảy dài, em nhớ anh và đang cô đơn biết mấy, anh hãy về đi, con của chúng ta cần có bố, em cần có anh, anh biết không, ngày anh đi em vẩn vui cười đưa tiễn, giờ đây em khóc thầm vì nhớ anh, thương xót cho con không có bố, em chẳng còn như ngày xưa rạng rỡ nụ cười trên môi nữa, em bắt đầu ít nói và trầm lặng dần, em chẳng biết chia sẻ cùng ai, anh biết đó từ ngày lấy nhau, em luôn làm tròn bổn phận của một người vợ và người mẹ, một người dâu hiền, em nào có thói hư tật xấu gì, sao anh lại quay lưng đi biệt như vậy, em sắp đến ngày sinh thì bị ba mắng và đuổi ra khỏi nhà, em đau, đau trong lòng anh có hiểu không, những người thân nhất của em, dè dặt và xa lánh không ai chia sẻ và thông cảm với em, lúc đi sinh em âm thầm một thân một mình đến viện, cũng chỉ vỏn vẹn trong tay 1triệu ba trăm ngàn, 9h tối em sinh thì 10h sáng em xuất viện , biết nguy hiểm nhưng em không còn tiền.  Về đến nhà thuê, không phải căn nhà ngày xưa chúng mình ở, nó chật hẹp hơn nhiều, nhưng em vẫn thấy trống trải và cô đơn, bế con trên tay nhưng nước mắt lưng tròng, một thân một mình lúc sinh nở, về đến nhà em đói bụng đành để con nằm đấy và đi chế mì tôm ăn, ngày gần sinh em chuẩn bị được 2 thùng mì tôm và 4 lon sữa bột cho con gái, 2 ngày em đã phải giặt giũ và nấu ăn, không 1 ai giúp đở cho đến con được 1 tháng tuổi , em bế về nhà ngoại hơn 70km , xin ông ngoại cho ở nhờ , sức khỏe em yếu dần , và em ngã bệnh , bụng em căng cứng lên nhưng không phải mang thai, khi nghe bác sỉ thông báo em bị xơ gan giai đoạn cuối em ùa khóc , em ấm ức nức nở ngẹn ngào , nghỉ đến con 2 đứa còn quá nhỏ , giờ em nằm xuống ai lo cho 2 đứa nó hả anh ? nhà ông bà nội cũng khổ , ông ngoại không còn khả năng làm việc , chúng nó biết nương tựa vào ai , trong tiềm thức em như muốn trổi dậy lòng nhiệt huyết , em phải cố gắng lên , em vừa làm mẹ gánh luôn vai trò người bố , em may mắn gặp được thầy thuốc nam chữa khỏi bệnh gan , nhung lại tốn ít tiền , cuộc sống lay lắc em phải bán đi chiếc xe phương tiện đi lại duy nhất , anh có biết không em đã đưa con gái về gởi ông bà nội rồi , lý trí em giờ không còn sáng suốt nữa , em hành động theo cảm tính mà thôi , gìơ xa con em thấy nhớ , anh biết không con gái chúng ta vừa tròn 1 tuổi, làm mẹ như em tệ lắm phải không , em không có đủ tiền để gọi 1 cuộc điện thoại ra để mừng con tròn tuổi , em bị ông ba nội mắng cho . chỉ mới thế mà em thấy chua xót rồi vậy mà anh đi biệt ngần ấy ngày tháng em sống trong bóng tối là ngần ấy ngày anh bỏ mẹ con em ra đi. Hãy về với mẹ con em anh nhé !
                   Thuỳ Trang
2.Hơi ấm tình thương  
         ngày… tháng… năm….
Thời gian trôi qua nhanh thật,  cái buổi đầu bở ngỡ đến với những anh chị trong nhóm chăm sóc. Em mặc cảm, rụt rè và không có một chút niềm tin nào cả, chắc có lẽ ngần ấy thời gian sồng chung với H em chưa cảm nhận được sự an ủi nào lớn hơn thế. Có thể em sẽ gọi tên các anh chị, trước là qua những dòng chữ ngày gởi tới các anh chị lời cảm ơn chân thành .
Anh…. ! Riêng anh, em cảm ơn anh thật nhiều, anh đã động viên an ủi, chia sẽ và gần gũi với em trong những tháng ngày tăm tối nhất, trước khi gặp anh và các chị trong nhóm, kể từ ngày em biết mình có H em chưa hề nở nụ cười , vậy mà giờ đây chính anh mang lại ánh sáng và hy vọng đầu tiên cho em kể từ cái ngày bóng tối như bao trùm kín cả cuộc đời, giờ em cười nói, em bây giờ như bước sang trang mới của cuộc đời, kể anh nghe, hôm …tối ngày chủ nhật trong buổi truyền thông cho sinh viên ở nhà chị Tâm, các anh chị đã sắp sếp chương trình và tiết mục tạo cho em cỡi mở lòng mình và được chia sẻ rất nhiều, em thấy mình trong đêm ấy như không còn xấu hổ nữa, những ngọn lửa những tấm lòng và những trái tim đầy nhiệt huyết, với lời nói run run em chia sẻ lòng mình bổng dưng có một bạn chạy đến dang tay ra và ôm lấy em, em như bật khóc vì hạnh phúc những gặp mắt nhìn em, như muốn gởi đến em lời chia sẻ, không phải là những ánh mắt dèm pha, trong cái không gian chật hẹp ấy em như xua tan đi bao nổi niềm chất chứa trong lòng. Hơi ấm tình thương như len lỏi xuyên suốt quanh em, sau bao tháng ngày vơi đầy nước mắt,  em đã nở nụ cười đầu tiên, ngước mắt nhìn thẳng vào mọi người và nói lên tiếng nói lòng mình, luống cuống trong lời nói nhưng em như muốn được cảm ơn tất cả ! cảm ơn các bạn !
Sau buổi tối truyền thông hôm ấy chia tay ra về mà lòng vẫn đầy tiếc nuối không khí đầm ấm đêm hôm ấy, dù đã lâu lắm rồi nhưng giờ vẫn cứ ấm mãi trong em …..
              Thuỳ Trang             (bangtamdn2002@yahoo.com)
 

Nhãn: , ,

Phương pháp điều trị HIV 2.0, cơ hội mới cho người bệnh AIDS

Thí điểm điều trị HIV bằng phương pháp 2.0

Người nhiễm HIV điều trị theo phương pháp 2.0 chỉ uống 1 viên thuốc kháng virus duy nhất 1 lần/ngày.

Thông tin từ Cục phòng chống HIV/AIDS, bắt đầu từ tháng 10/2011 phương pháp điều trị HIV 2.0 sẽ được triển khai thí điểm tại tỉnh Điện Biên và Cần Thơ.

Điều trị HIV 2.0 là phương pháp điều trị HIV mới nhất của thế giới và sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).

Với phương pháp điều trị HIV 2.0, người nhiễm HIV sẽ chỉ uống 1 viên thuốc kháng virus duy nhất 1 lần/ngày thay vì phải uống 3 viên thuốc khác nhau mỗi ngày theo cách điều trị hiện thời. Hơn nữa, người nhiễm HIV sẽ được điều trị sớm hơn để giảm các nhiễm trùng cơ hội và nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Đồng thời, việc sàng lọc và xét nghiệm HIV, trả kết quả sẽ diễn ra ngay tại xã phường trong ngày so với ít nhất là một tuần với việc xét nghiệm trước đây.

Đây là bước đột phá so với các phương pháp điều trị cũ, số người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ nhiều hơn trước, hướng tới loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng hiệu quả điều trị và tính bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS./.

                         (NguồnVOV)

Phương pháp điều trị HIV 2.0, cơ hội mới cho người bệnh AIDS

Tới gần 250 nghìn trường hợp có HIV/AIDS tích lũy, đến nay, Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng từ căn bệnh thế kỷ. Nhằm hướng đến Mục tiêu thiên niên kỷ là đẩy lùi dịch HIV/AIDS vào năm 2015, trong khuôn khổ cuộc họp Ðại hội đồng Y tế thế giới vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) Việt Nam đã trình bày kế hoạch triển khai thí điểm phương pháp điều trị HIV 2.0.
Ðây là biện pháp mới có thể giảm gần như hoàn toàn các ca chết người liên quan đến AIDS và giúp dự phòng lây nhiễm HIV. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng phương pháp này.

Theo PGS, TS Bùi Ðức Dương, Phó Cục trưởng phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế, cho biết: Sau 20 năm, kể từ khi phát hiện người bệnh HIV đầu tiên, hiện công tác quản lý, hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai có hiệu quả trên toàn quốc với 318 phòng khám ngoại trú; 317 phòng xét nghiệm, tư vấn tự nguyện HIV/AIDS; 75 phòng xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV tại 49 tỉnh, thành phố… Từ năm 2008, dịch HIV có xu hướng giảm và về cơ bản, Việt Nam đã kiềm chế tốc độ gia tăng của đại dịch ở mức đạt mục tiêu chiến lược quốc gia đề ra. Hơn 53 nghìn người bệnh AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV. Hiện chín tỉnh, thành phố triển khai chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đối với 3.813 người bệnh. Kết quả nghiên cứu ban đầu tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng cho thấy, sau 12 tháng sử dụng Methadone, chỉ còn dưới 16% người bệnh tiếp tục sử dụng ma túy.

Tuy nhiên, hiện dịch vẫn có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Tích lũy đến nay, Việt Nam phát hiện hơn 250 nghìn người có căn bệnh thế kỷ, chủ yếu qua con đường tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, hơn 50 nghìn người đã tử vong và hơn 190 nghìn người có HIV/AIDS còn sống. Hà Nội có số người có HIV nhiều thứ hai toàn quốc, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là Hải Phòng, An Giang, Sơn Lan, Thái Nguyên… Riêng sáu tháng đầu năm 2011, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, số trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo trên cả nước là 6.146 người, trong đó có 2.477 người bệnh AIDS và 844 trường hợp đã tử vong do AIDS. Các trường hợp có HIV/AIDS chủ yếu được phát hiện ở một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS.

Cũng theo PGS, TS Bùi Ðức Dương, trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, Việt Nam sẽ thí điểm phương pháp điều trị mới 2.0 nhằm tiến tới đáp ứng được cho tất cả những người cần đến các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ. Ðây là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc  về HIV/AIDS (UNAIDS) mà nước ta là quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm. Dự kiến phương pháp này sẽ được khởi động vào cuối năm nay tại hai địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV là Ðiện Biên và Cần Thơ. Phương pháp này bao gồm năm phương thức chính: tối ưu hóa công thức điều trị, giảm số lượng viên thuốc, giảm độc tính của thuốc; phát triển công nghệ chẩn đoán mới, đơn giản hóa quy trình chẩn đoán, sử dụng phương pháp chẩn đoán sớm với công cụ chẩn đoán rẻ hơn; giảm giá thành dịch vụ xét nghiệm, thuốc, chi phí cho thầy thuốc và người bệnh; công tác tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẽ được lồng ghép vào hoạt động y tế thôn, bản, xã, phường, cộng đồng, các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản…; huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của người có HIV/AIDS. Tại hai địa phương được thí điểm, trước mắt Bộ Y tế sẽ sử dụng test chẩn đoán HIV nhanh và thực hiện lồng ghép dịch vụ cung ứng chẩn đoán, điều trị ngay tại tuyến xã, phường và huyện. Người nhiễm HIV được hỗ trợ tham gia các dịch vụ kết nối chăm sóc điều trị ARV với điều trị bằng Methadone, trao đổi bơm kim tiêm, cấp phát bao cao-su…

TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế
Sử dụng phương pháp điều trị 2.0 sẽ không phải theo dõi phức tạp trong điều trị, điều này dẫn đến tiếp tục giảm chi phí xét nghiệm và theo dõi của người bệnh. Ðiều trị 2.0 sẽ phân cấp điều trị cho người bệnh tới y tế cơ sở gần nơi người bệnh sinh sống và lồng ghép với hệ thống y tế hiện hành. Và như vậy sẽ giảm đáng kể kinh phí đi lại và tiết kiệm được khá lớn nguồn nhân lực y tế.
                 Theo vnexpress.net
Tin bài tổng hợp của anh Lê Văn Thông
 

Nhãn: , , , , , ,

Lỡ một ước mơ

Nối tiếp những tâm sự của tác giả “Người em phố Núi”. Xin chia sẻ cùng cộng đồng bài thơ mang tâm tình của chị về tình yêu, ước mơ và hy vọng trong giai đoạn đầu khi biết mình nhiễm HIV.

LỠ MỘT ƯỚC MƠ

“Em muốn làm nhành hoa,

rơi xuống nơi anh.

Em muốn làm ngọn gió mát lạnh,

mơn man bên anh”.

Em không muốn ra đi vĩnh viễn

Cuộc đời này ai cũng co lúc sai

Bản thân em không thể là ngoại lệ

Dấn thân vào chốn phồn hoa đô thị

Sao tránh được những cám dổ xa hoa

Thân gái mong manh giữa kiếp người

Em đâu còn đường quay lại anh ơi!

Đã bao ngày em là chốn vui chơi

Cho những kẻ chán cơm thèm phở

Thế là hết một cuộc hành trình

Em kết thúc cuộc đời gái gọi

Bằng kết quả HIV dương tính!

Thế là hết, là hết phải không anh

Lỡ một ước mơ, lỡ cả một đời

Lỡ bước bên anh và chung gối

Lỡ một  tình yêu độ tuổi trăng tròn

Chạy đuổi theo đời những phút vui

Giờ em ôm trọn niềm đau nhói

Giấu vào tim đẫmt lệ cuộc đời mình

Thế  là kiếp nầy em đã không anh

Kiếp sau em hứa mình chung bước,

dệt mộng xây đời những ước mơ

                                         “Người em phố Núi”
 

Nhãn: ,

Hãy gọi tôi

Xin chia sẻ cùng cộng đồng  bài thơ của Một NCH là thành viên Nhóm Chăm sóc tại nhà Thành phố Đà Nẵng:

         HÃY GỌI TÔI
Nếu ai hỏi chúng ta làm gì thế?
Đừng ngại ngùng: mình chăm sóc HIV
Từ thành phố cho đến tận vùng quê
Đâu cũng có cảnh đời không may mắn.
Nhóm chúng tôi xuất thân từ Đà Nẵng
Nơi tiên phong Nhóm Chăm sóc tại nhà
Các thành viên chẳng quản ngại đường xa
khi tiếp cận hay đến nhà chăm sóc.
Mở lòng ra cho quên bao mệt nhọc
Gói yêu thương cho số phận mỗi người
Những mảnh đời bất hạnh tuổi đôi mươi
Đầy mặt cảm khi biết mình bị AIDS.
Gọi cho tôi khi bạn đang thấy mệt
Hay cô đơn hay tuyệt vọng chán chường
Hay chỉ cần một câu nói yêu thương
Để an ủi động viên và chia sẻ.
Đừng vì AIDS mà buông xuôi sức khoẻ
Huỷ hoại đời vui vẻ lắm bình yên
Nhưng không dễ lần chăm sóc đầu tiên
Cũng có lúc bị khách hàng xua đuổi.
Cố lên nhé bạn ơi đừng buồn tủi
Vẫn hằng ngày anh chị động viên nhau
Hãy kiên trì tiếp tục những lần sau
Sẻ có lúc người ta cần mình đó.
Nên cảm thông bởi vì trong số họ
Sợ thông tin bị tiết lộ ra ngoài
Sợ người đời sợ ánh mắt săm soi
Sợ kỳ thị khi biết mình nhiễm H.
Dòng thời gian cuốn trôi bao phận bạc
Xua tan rồi đám mây phủ bao quanh
Ánh mặt trời từ đâu toả lan nhanh
Có phải chăng của nhóm người Chăm sóc.
Đã bao lần chúng tôi nhìn bạn khóc
Khi cơn đau thể xác cứ hoành hành
Một vài viên thuốc nhỏ đến trao tay
Cũng xoa dịu bao nhiêu điều phiền muộn.
Hãy gọi tôi ! đừng làm điều nông nổi
Cuộc đời còn nhiều tươi đẹp quanh ta
Có chúng tôi ! Nhóm Chăm sóc tại nhà
Đầy trách nhiệm niềm tin và lẻ sống./.
                                     Phước Toàn
                  Nhóm Chăm sóc tại nhà TP Đà Nẵng
                  Đt: 0128 2772778
                  Email: toanlien.tran26@gmail.com
 

Nhãn: , ,